Nữ giáo sư trung học người Anh Anne Sweeney khẳng định rằng xã hội của chúng ta đang ở trên đà sắp lao vào một nếp sống hoàn toàn mới. Bà thấy bằng cớ hiển nhiên chứng minh cho điều đó trong lớp học, nơi chiếc máy tính bỏ túi đang làm đảo lộn – điều đáng lẽ Bà có thể và phải dạy theo chuyên ngành của mình: môn Toán học.
Là giáo sư trung học, bà rất thích “Ngày của các bậc Cha Mẹ” hằng năm – khi các ông cha, bà mẹ và các phụ huynh học sinh đến để thảo luận về sự tiến bộ của các học trò của bà. Nhưng bà biết là một số người trong đám họ bao giờ cũng than phiền rằng con cái họ không còn được học tập điều mà chính họ đã được truyền dạy ở nhà trường. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy việc sử dụng các máy tính dù sao cũng là việc “nuông chiều” bọn trẻ, và môn Toán học không còn là “Toán học đích thực” nữa.
Bà Anne vạch rõ rằng tinh thần chống lại sự thay đổi vốn chẳng có gì mới mẻ cả. Chúa Cứu Thế Giê-xu từng nhận xét rằng con người ta cũng giống như các bầu rượu cũ vậy; cứ thử đổ rượu mới (những điều canh tân, cải cách) vào mà xem, tất cả sẽ bị thủng, bể hết. Bức thông điệp của Ngài là “Phải đựng rượu mới trong những bầu rượu mới”.
Bản thân bà Anne đã được đổi mới – cả bên ngoài lẫn bên trong – sau khi nhận thức được rằng Đức Chúa Trời không phải là một định lý (theorem) cần được chứng minh trước khi người ta có thể tin cậy Ngài – nhưng là một công lý (axiom), một chân lý một thực tại, cho dù Ngài có được tin cậy hay không. Bây giờ thì bà đã hiểu thế nào và tại sao có nhiều người tin cậy Ngài đang rất sẵn sàng cả để chịu chết vì đức tin (tử vì đạo của mình) nữa.
Bà Anne Sweeney ra đời tại Alberdeen, Tô-cách-lan. Bà hiện đang dạy Toán học tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Chichester tại miền Nam Anh quốc.
Sau khi học và tốt nghiệp môn Toán và Khoa học tại Đại học đường Aberdeen, bà được cấp Chứng chỉ Hậu đại học và cấp bằng Giáo dục của Trường Cao đẳng giáo dục Aberdeen. Bà đã dạy học một năm tại Tô-cách-lan trước khi cùng di chuyển về phía Nam với chồng bà là David, cũng là một người “được trọng vọng”. Ông là Trưởng phòng vi tính của Viện Nghiên cứu Ngũ Cốc trong Nhà Kính tại Lihlehampton, Sussex, Anh quốc.
Họ đều là thành viên tích cực của Hội Thánh Báp-tít Angmering gần đó.
Trở lại với thời xa xưa mà tôi còn nhớ được, tôi luôn luôn muốn trở thành cô giáo. Toán học đã luôn luôn có một vẻ đẹp cá biệt đối với tôi, một thứ lô-gic thoả đáng về đủ mọi phương diện. Khác với các bạn gái khác, tôi luôn luôn thích đem các sự vật riêng ra, để quan sát xem chúng hoạt động như thế nào. Chẳng có gì cuốn hút tôi hơn là khi biết được rằng thế nào kiến thức toán học vốn bắt nguồn từ một vài công lý đơn giản ít oi, đã được xây lên thành những cấu trúc phức tạp khó có thể tin nổi.
Bản tính của tôi là thích thắc mắc đặt vấn đề về mọi sự mọi vật, đòi hỏi các chứng cứ, và đánh vật với các câu đố nát óc. Năm tôi chỉ mới lên mười một tuổi và học năm đầu cấp trung học (lớp sáu), tôi đã chạm mặt với điều “bí mật” đầu tiên của Toán học, khiến tôi vừa bị kích thích vừa lấy làm thích thú. Tôi được chỉ cách tính đường chéo của một hình vuông. Tôi lập tức vẽ một hình vuông một phân Anh (inch) và khám phá ra rằng tôi có thể đo đường chéo của nó, nhưng không thể tính ra nó, vì căn 2 là một con số “vô tỉ” mà người ta không thể biểu diễn chính xác, hoặc là bằng một phân số hay bằng một số lẻ. Theo trí óc non nớt của tôi, thì sự việc ấy cũng giống như việc tôi có thể vẽ một đường dài mà không thể có một con số nào “đại diện” được cho nó cả! Tôi vô cùng kinh ngạc, nhưng cũng rất bối rối.
Kể từ đó, tôi biết được nhiều “định lý” quan trọng của Toán học. Và tôi cũng nhiều lần học biết được rằng không phải chỉ vì tôi không “chứng minh” được một định lý cho thoả mãn mà điều đó có nghĩa là định lý ấy sai. Tôi thường bị bắt buộc phải nhờ đến nhiều người giỏi hơn tôi để trả lời và giải thích cho tôi. Nhưng thật đáng tiếc là vẫn còn một số điều mà tôi không hiểu hết được. Dù vậy, điều đó đã không dập tắt được lòng hăng say của tôi đối với đề tài của mình: Tôi vẫn thích mùi hương của điều bí mật.
Cha tôi cũng có một thời dạy Toán, và chính ông là người đầu tiên đã dạy tôi yêu thích môn này. Trong khi đó thì mẹ tôi dạy tôi yêu mến Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tôi đã lớn lên và chuyển phần tâm trí hay thắc mắc của tôi sang việc tra xét tất cả những gì tôi được học biết về tôn giáo. Tôi có thể tự chứng minh cho mình thấy rằng nhiều lời mà cha tôi nói về Toán học đều đúng; nhưng về những lời mẹ tôi dạy về Đức Chúa Trời thì thế nào?
Nếu quả thật tôi tin vào những gì bà đã nói là đúng, là thật thì kết luận hợp lý – theo như tôi thấy – ấy là tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để chịu chết, vì đức tin của mình mà thôi. Tôi đọc thấy trong Thánh Kinh có nhiều vị thánh đã tử vì đạo. Một số Cơ Đốc nhân từng bị hành hạ tra tấn vì không chịu chối bỏ đạo của mình. Nhiều người khác phải chịu chế giễu, đánh đòn, và thậm chí bị xiềng xích, giam cầm nữa.
Tôi tự hỏi: “Nếu tôi bị hành hạ tra tấn, tôi có chấp nhận chối bỏ Đức Chúa Trời để được thả tự do không?”
Tôi biết là mình sẽ chấp nhận.
Do đó, tôi đi đến kết luận rằng phải có một điều gì đó khác hẳn về cơ bản giữa đức tin của các vị thánh đã tử đạo với đức tin của tôi. Nếu cũng chịu thử nghiệm giống như thế, thì kết quả của đức tin của họ với đức tin của tôi cũng hoàn toàn khác. Tôi trăn trở với vấn đề này rất lâu. Tôi rất chăm chỉ học hỏi và quan sát các vấn đề về tôn giáo. Tôi ngày càng quen thuộc hơn với các giáo lý của Hội Thánh. Tôi thường xuyên cầu nguyện. Nhưng tôi có dám từ bỏ mọi sự vì Chúa Giê-xu hay không? Câu trả lời vẫn đến với lòng tôi là: Không, chẳng bao giờ!
Một biến cố bất ngờ xảy ra đã đẩy tôi vào tình trạng trưởng thành. Tôi đã lấy chồng trong khi nhà tôi vẫn còn là sinh viên đại học. Tôi hoàn toàn trông mong rằng sau khi tốt nghiệp, chồng tôi sẽ tìm được việc làm ngay tại địa phương nơi chúng tôi đang ở. Nhưng tôi đã vô cùng bối rối khi anh nhận một việc làm tại một nơi xa đến sáu trăm dặm, tại đầu bên kia của nước Anh. Các bản đồ về thời tiết trên TV, thì miền Nam nước Anh có vẻ như một thế giới khác hẳn với miền Bắc Tô-cách-lan, nơi tôi đã lớn lên. Tôi sẽ phải xa quê nhà như thế đó! Cho nên việc di chuyển của tôi có nghĩa là tôi phải bỏ lại sau lưng tất cả các bạn bè là Cơ Đốc nhân trước đó, cũng như áp lực từ các bạn cùng trang lứa buộc tôi phải sống đúng với các chuẩn mực của Thánh Kinh. Trong cảnh cô đơn mới mẻ này của mình, tôi tuyên bố là mình đã bị hướng dẫn sai lầm để tin rằng có một Đức Chúa Trời đầy tình yêu trên thiên đàng. Hoặc là Ngài không hiện hữu, hoặc Ngài chỉ là một vị thần linh vô ngã, chẳng quan tâm gì đến tôi cả!
Nhưng Đức Chúa Trời vốn rất mạnh sức. Ngài chiến đấu với chúng ta cho đến khi nào chúng ta chịu đầu phục sức mạnh hơn của Ngài. Ngài chẳng hề bị lệ thuộc vào các tư tưởng của chúng ta để tồn tại. Loài người không thể suy nghĩ để Đức Chúa Trời hiện hữu – hay tưởng tượng là Ngài không hiện hữu.
Tin Đức Chúa Trời thì không phải là điều tự nhiên đối với tâm trí của người duy vật, nhưng Đức Chúa Trời tự bày tỏ mình ra cho tâm trí người tìm cầu Ngài. Khi một người quay lại với Chúa Giê-xu và gọi Ngài là Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu sẽ đáp: “Bấy giờ, Đức Chúa Giê-xu phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều này đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy” (Mathiơ 16:17).
Lần lần, sự việc bắt đầu loé lên trong tôi là tôi đang nỗ lực làm chuyện bất khả thi. Tôi đang cố muốn chứng minh sự hiện hữu của Đức Chúa Trời như một định lý Toán học vậy, trong khi Ngài lại giống với công lý, một chân lý tự nó đã là hiển nhiên rồi, chẳng cần gì phải chứng minh nữa!
Tôi cũng bắt đầu nhận thức được rằng hằng ngày, tôi phải tiếp xúc với những điều trừu tượng, không thể sờ nắn, nắm bắt được. Thí dụ là nhà Toán học, tôi chẳng bao giờ “chạm” tới được con số 2. Tôi chẳng bao giờ nhìn thấy nó thật là khó định nghĩa được nó nếu không nhờ đến những con số khác. Thế nhưng tôi vẫn tin vào các đặc tính của “số hai”; nó là một phần tối quan trọng không thể thiếu được của toàn thể hệ thống các con số.
Tại sao lại là kém lô-gic hơn khi chúng ta cũng tin Đức Chúa Trời y như thế, tuy Ngài là vô hình, không thể sờ nắn nắm bắt bằng các giác quan thuộc thể của chúng ta?
Do đó, tôi quyết định tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và cố tìm cách bắt liên lạc, tiếp xúc với Ngài bằng sự cầu nguyện. Ngài đã ban thưởng cho sự tìm kiếm của tôi bằng cách bảo đảm chắc chắn cho sự hiện hữu của Ngài. Một sự bảo đảm như thế không thể được nói ra thành lời; nó không thể cầm nắm, ngửi, nếm, hay nghe thấy. Nói cho đúng hơn, thì đó là một chút gì đó của chính Đức Chúa Trời mà Ngài ban cho chúng ta về phương diện tâm lý hay tâm linh, khiến cho việc phủ nhận sự hiện hữu của Ngài sẽ trở thành không tự nhiên đối với chúng ta y như phủ nhận sự hiện hữu của chính chúng ta vậy.
Tôi đã tin quyết rằng Đức Chúa Trời hiện hữu theo cách đó. Theo định nghĩa thì Ngài hiện hữu trước cả loài người và tất nhiên là Đấng đã dựng nên chúng ta. Do đó, nếu Ngài đã dựng nên chúng ta, thì Ngài phải có quyền sở hữu trên chúng ta. Nếu Ngài đã có chủ quyền trên chúng ta, thì Ngài phải cai trị chúng ta. Cho nên, tôi xin thuận phục Đức Chúa Trời – trước hết không phải vì tôi yêu Ngài, nhưng vì tôi biết mình không có cách chọn lựa nào khác. Ngài là Đấng cầm quyền cai trị tối cao trên tôi – khi học Sử ký, tôi từng được nghe những chuyện kinh hoàng chờ đợi những kẻ phản bội! Cho nên tôi quyết định tự nguyện phục vụ Ngài.
Tôi đọc lại về các thánh tử đạo. Tôi tự hỏi: Tại sao các vị ấy lại làm như thế? Làm thế nào để các vị ấy từng trải được về Đức Chúa Trời một cách sống động như thế, đến nỗi ý chỉ Ngài còn quan trọng cho họ hơn cả chính mạng sống của họ? Làm thế nào để Đức Chúa Trời trở hành quan trọng đối với họ, đến nỗi họ đã tự chọn phó mạng sống mình, hơn là bất trung với Ngài? Tôi bắt đầu hiểu tại sao nhiều người lại phục vụ Đức Chúa Trời trên đất này; chẳng hay họ có bị bắt buộc phải làm như thế hay không? Nhưng còn chịu chết vì Ngài? Tôi vẫn chưa chấp nhận cũng chưa hiểu nổi điều đó.
Điều cuối cùng đã làm thay đổi quan điểm của tôi là khi đọc đến những lời Chúa Giê-xu đã nói trước khi Ngài chịu đóng đinh vào thập tự giá. Ngài nói tiên tri rằng rồi đây Ngài sẽ trở lại, làm mới lại Địa Cầu, để kết thúc quả địa cầu này.
Công trình sáng tạo thứ nhất của Đức Chúa Trời có khả năng cho cả điều thiện lẫn điều ác, nhưng công trình sáng tạo thứ hai của Ngài sẽ chỉ có điều thiện mà thôi. Tôi bỗng dưng nhận thức ra rằng mình không thể có phần chi vào cái thế gian thứ hai của Ngài cả, vì tôi vốn xấu xa gian ác bẩm sinh và ngay từ bên trong: tôi vẫn còn đặt mình lên hàng đầu, trước hết tất cả.
Tôi thường oán trách Đức Chúa Trời về tất cả những điều đau khổ trên trần gian này. Bây giờ, tôi mới nhận thức ra rằng chính chúng ta, những kẻ muốn sống cho chính mình, mới là những người gây ra đau khổ, chứ không phải là Đức Chúa Trời. Phải chăng Đức Chúa Trời làm cho mẹ tôi khóc khi tôi cãi lại bà? Không, đó là chính tôi đã xúc phạm bà. Phải chăng Đức Chúa Trời làm cho bà cụ nằm bên vệ đường kia chết vì đói lạnh? Không, mà là chính tôi. Vì đáng lẽ ra tôi phải đem thức ăn, đem lửa than đến cho bà ta, nhưng tôi đã không quan tâm đủ.
Từng hành động trong đời sống tôi đều dường như quay trở lại tố cáo tôi. Tôi tự hỏi chẳng hay mình có bị hư vong cùng với phần còn lại của vũ trụ này khi Chúa Cứu Thế tái lâm hay không?
Rồi tôi lại nghĩ về các thánh tử đạo. Các vị cũng là những con người như tôi, nên chắc các vị cũng từng làm điều xấu xa gian ác như tôi. Thế nhưng rõ ràng là các vị ấy không hề sợ phải gặp mặt Đức Chúa Trời bằng cái chết? Tại sao?
Lần đầu tiên, tôi nhìn kỹ hơn vào cái chết của chính Chúa Giê-xu, và kết luận rằng phải có một chủ đích cho việc ấy. Nếu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, đã quá mệt mỏi vì cái thân xác con người của Ngài, thì Ngài có thể đơn giản là vứt bỏ cái thân xác ấy lại sau lưng một ngày nào đó, để rồi trở lại thành một thần linh. Thế tại sao Ngài lại phải chịu đựng một cái chết kéo dài và đau đớn như thế?
Khi nghĩ như thế, tôi nhận thức được một điều kỳ diệu. Chúa Giê-xu con người trọn lành toàn hảo, đã chịu trừng phạt vì những tội ác mà Ngài chẳng hề vi phạm; Ngài đã tự nguyện chịu chết, sẵn lòng chịu chết để chúng ta được miễn trừ sự trừng phạt đúng lẽ công bằng về các tội ác mà chính chúng ta đã vi phạm!
Tôi rất sợ rằng lúc tôi nhìn thấy Đức Chúa Trời sau khi tôi chết, Ngài sẽ cho quay lại cuộn băng ghi hình thính thị cả cuộc đời tôi, buộc tôi phải xem dưới sự giám sát tỉ mỉ và thái độ không tán thưởng của Ngài. Tôi run sợ khi nghĩ lại một số sự việc tôi đã làm, và nhận thức được rằng chúng sẽ buộc tội tôi phải hối hận cắn rứt đời đời. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho mình vì Chúa Giê-xu đã chịu chết vì tôi.
Khi tôi lại nhìn vào đời sống của mình, thì dường như cuộn băng ghi hình đã được phát hành, và chỉ có những phần tốt đẹp là được chừa lại. Tôi nhận thấy Đức Chúa Trời hiện diện gần bên tôi, ban thưởng cho tôi về những điều tốt đẹp trong đời sống của tôi, khiến tôi phải kêu lên: “Không phải như thế đâu! Như thế thật là bất công. Tôi đã làm nhiều việc sai trái cũng như phải lẽ!”.
Nhưng chính Đức Chúa Trời đã cho tôi xem cuộn băng mới ấy và nói: “Ta chẳng thấy có điều sai trái nào. Chúa Giê-xu đã xoá sạch cuộn băng cũ rồi”.
Nhưng chính Đức Chúa Trời đã cho tôi xem cuộn băng mới ấy và nói: “Ta chẳng thấy có điều sai trái nào. Chúa Giê-xu đã xoá sạch cuộn băng cũ rồi”.
Tại sao các thánh tử đạo kia đã chịu chết? Cũng như tôi, các vị ấy đã kết luận rằng chỉ chối bỏ Đức Chúa Trời vì không nhìn thấy được Ngài thì thật là dại dột. Người ta tuy không nhìn thấy được Ngài, nhưng hơn cả điều đó, họ hiểu được tình yêu và lòng nhân từ khoan dung của Đức Chúa Trời, nhận thức được rằng sự đau khổ trên trần gian chỉ tồn tại một thời gian tương đối ngắn mà thôi. Họ phải hướng về ngôi nhà vĩnh cửu mà Chúa Giê-xu đang chuẩn bị cho họ, ngôi nhà mà về nó, Thánh Kinh dạy rằng “sẽ chẳng còn có đau buồn nữa”. Giờ đây, chính tôi cũng có thể hướng về một cõi vĩnh hằng được sống với Ngài – và nếu cần phải chết vì Ngài, tôi sẽ rât sẵn sàng.
Tôi tin vào môn Toán học mà tôi dạy, tuy tất cả đều được đặt trên nền tảng là những công lý không chứng minh được. Nhưng một công lý có thể được định nghĩa là “một chân lý tự nó đã hiển nhiên”. Sau khi đã chấp nhận một công lý, cái chân lý tự nó đã hiển nhiên về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, tôi đã có được một đức tin cũng quan trọng hơn nhiều. Tôi đã tin vào Đức Chúa Trời hằng sống mà vì Ngài, tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để sống – và cả để chết nữa.
Tôi đã tin vào Đức Chúa Trời hằng sống mà vì Ngài, tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để sống – và cả để chết nữa.