Các Nhà Khoa Học Đã Tin Chúa

Câu Chuyện 09: Đi Tìm Chân Lý

09 21CauChuyenKhoaHoc 1210x808

 

Tìm chân lý bao giờ cũng đi đầu trong tâm trí của con người biết suy tư. Con người từng tìm kiếm chân lý, đã nhìn thấy và sử dụng nhiều cách và hình thức khác nhau. Triết gia Montigne người Pháp có lần đã nói rằng: “Con người sinh ra là để truy tìm chân lý”.

Nhưng chân lý thường có vẻ tương đối. Nó lùi lại như muốn chọc tức chúng ta khi chúng ta tiếp cận nó.

Tiến sĩ David Tonge đạt đến một điểm trong đời sống khi ông cảm thấy không toại nguyện, bất mãn và hiếu kỳ. Là một nhà khoa học, ông tự hỏi chẳng hay chân lý có thật và có thể lãnh hội được hay không. Ông tự hỏi chẳng hay thật ra chân lý là gì.

Cuối cùng, nhờ tìm kiếm ông nhận thức được rằng chân lý không phải là điều có thể diễn đạt bằng một công thức hay định nghĩa được; nó chỉ có thể được trải nghiệm bởi những người tiếp nhận nó như một ân tứ (quà tặng) của Đức Chúa Trời mà thôi. Chân lý đích thực đến với đời sống một người khi cuộc đời ấy được tái sinh. Rồi chân lý ấy được sống bằng cách thực hành nhờ một sự chia sẻ phần quyền năng từng khiến cho con người Giê-xu đã chết, biến thành Chúa Giê-xu phục sinh đầy vinh hiển.

Tiến sĩ David Tonge ra đời trong xứ Wales. Ông theo học tại trường Cao đẳng Hoàng gia Luân Đôn, đỗ bằng Cử nhân Khoa học thủ khoa môn Toán học năm 1956. Sau khi công tác với cương vị một nhà Toán học ứng dụng trong một Phòng thí nghiệm Điện tử thuộc Bộ Hải quân Anh và với Uỷ ban Phát điện trung ương, ông chuyển sang Ban Toán học và Khoa học vi tính của Trường Bách khao Wales gần Cardiff. Ông đã công tác tại đó với cương vị Giảng viên từ 1965.

Chính tại Trường Bách khoa, lần đầu tiên ông quan tâm đến vấn đề tìm hiểu cách mã hoá và sử dụng thông tin do thị giác để cung cấp cho bộ não. Một số lý thuyết của ông đã được đăng tải gần đây trong tờ International Journal of Man-Machine Study. Năm 1979, ông được tặng thưởng bằng Tiến sĩ của Đại học đường Luân Đôn. Ông hiện tiếp tục quan tâm nghiên cứu trong lãnh vực các diễn trình tri nhận và tri thức nhân tạo.

Tiến sĩ Tonge đã lập gia đình và có hai con gái ở độ tuổi thiếu nữ. Ông là thành viên của một Hội Thánh Tin Lành, nơi ông đã ăn năn quy đạo vào năm 1976, và đã tham gia công tác với Ban Thanh Niên. Ông cũng hoạt động tích cực trong Ban Chứng Đạo của các Cơ Đốc nhân, đến với mọi người thông qua các bệnh viện và những người nghiện rượu.

Đâu là mối liên hệ giữa tâm trí và não bộ? Đâu là chỗ khác nhau giữa cả hai?

Các nhà khoa học công tác trong nhiều lãnh vực khác nhau – từ Tâm lý học đến Điều khiển học – thỉnh thoảng đều nghĩ đến vấn đề này. Giờ đây, chúng ta đã biết được khá nhiều điều về não bộ. Tuy nó chẳng phải là cơ quan đồ sộ lắm để có thể nhìn vào, tính cách phức tạp của nó thật là khủng khiếp. Các bí mật của nó thuộc cả ba lãnh vực hoá học, điện tử và cấu trúc. Giải phẫu các dây thần kinh đã cho thấy não bộ gồm một mạng lưới các tế bào điện tử liên hệ với nhau, hay các “nơ-ron” nằm trong một chất đông đặc. Phần cấu trúc nhìn thấy được và sờ nắn được này là nơi định vị của phần không thể sờ nắn được của con người chúng ta, tức là con người ý thức: tư tưởng, cảm xúc và ý chí của chúng ta – gọi chung là tâm trí. Phần này còn khó khăn hơn nhiều để điều nghiên, vì các bí mật của tâm trí liên quan đến chức năng của nó: chúng bị nhốt chặt càng hơn trong cách thế hoạt động của não bộ.

Lần chạm mặt đầu tiên của tôi với các vấn đề gây kinh ngạc này xảy ra nhiều năm trước đây lúc tôi bắt đầu nghiên cứu các vấn đề của tri giác thị giác. Công tác của tôi thuộc lãnh vực Toán học quan tâm đến việc đưa ra một lý thuyết về các thông tin do thị giác đã được lưu trữ trong não bộ như thế nào. Sau vài năm, các kết quả nghiên cứu của tôi được đăng báo, và tôi đã đăng ký để trình một luận án tiến sĩ tại Đại học đường Luân Đôn. Hoạt động nghiên cứu mới mẻ này có nghĩa là cuộc đời bác học của tôi với cương vị một Giảng viên tại Trường Bách khoa đã trở thành lý thú hơn nhiều. Cuộc đời tôi được đầy đủ hơn, tôi là một con người bận rộn hơn, hoàn thiện hơn.

Bất cứ ai quan sát tôi chắc đều tưởng rằng cuộc đời tôi rất mãn nguyện. Tôi có một việc làm vững chắc, lý thú và được lương cao. Tôi đã có gia đình và được hai con gái nhỏ. Chúng tôi sống một cuộc đời thoải mái trong một ngôi nhà mới tại miền Nam xứ Wales, trong một môi trường vây quanh đẹp đẽ, vừa thuộc về miền thôn quê, lẫn gần biển. Tôi được hưởng thụ âm nhạc, hí viện, và văn học hay. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thốn một điều gì đó. Tôi có một ý thức mơ hồ là mình vẫn chưa được đầy đủ ở một trình độ nào đó của đời sống.

Thêm vào công tác nghiên cứu của mình, tôi tự nhiên suy nghĩ đến các đến vấn đề có bản tính tổng quát hơn. Tôi tìm thì giờ nhất là nhân các kỳ nghỉ hè dài ngày, để suy nghĩ. Lẽ dĩ nhiên là tôi vốn được đào tạo để sử dụng bộ óc của mình để suy nghĩ lúc hãy còn là một sinh viên chưa tốt nghiệp đại học, cũng như qua công tác gần đây với cương vị một Giảng viên. Tôi là một nhà Toán học. Tôi đã được đào tạo để đưa ra lời giải cho các bài toán một cách hợp lý. Nhưng có một vấn đề đã chứng tỏ là đặc biệt khó giải đáp: Tại sao tôi lại cảm thấy cái ý thức bất mãn cơ bản kia?

Theo cả hai quan điểm vật chất và trí tuệ cuộc đời tôi thật mãn nguyện – thậm chí có thể nói là lý tưởng nữa. Sự việc đối với tôi dường như vấn đề của tôi phải gồm luôn cả cuộc đời ở cấp bậc sâu xa nhất. Có lẽ chính việc tôi nghiên cứu các cấp bậc, trình độ của não bộ đã đưa tôi tới môí quan tâm sâu sắc này.

Bấy giờ, tôi cũng đang phát triển tình bạn với một người láng giềng là Cơ Đốc nhân. Chúng tôi cùng thảo luận với nhau nhiều vấn đề. Tôi bao giờ cũng sử dụng phương pháp “thuần lý” tương phản với những cách giải thích có phần thuộc linh (spiritual: thiên về tâm linh, tâm thần) của ông ta. Tôi rất thích những cuộc đàm thoại tự nhiên là tốt ấy. Riêng tôi thì lấy làm tự hào về điều mà tôi cho là một cuộc tấn công sắc bén hoàn toàn hữu lý, khiến tôi nghĩ là mình đã bài bác được tất cả các luận cứ “siêu nhiên” của anh bạn tôi.

Tôi nghĩ chắc chính là vào thời gian đó, anh bạn láng giềng của tôi đã hướng sự chú ý của tôi vào chương thứ ba của sách Phúc Âm Giăng. Ở đây, tôi được đọc về cuộc gặp gỡ đã trở thành Kinh Thánh giữa Chúa Giê-xu và Ni-cô-đem, một trong các nhà lãnh đạo cả dân sự lẫn tôn giáo tại Giê-ru-sa-lem vào thời của Chúa Giê-xu. Ni-cô-đem vốn là một nhà tư tưởng lớn – một thần học gia uyên thâm về khuôn mẫu Do-thái giáo cổ điển. Chúa Giê-xu thì khác hẳn. Ngài là một lãnh tụ trẻ năng động, chỉ mới bắt đầu truyền bá một nền thần học cách tân. Ngài công bố một tin gây kinh ngạc rằng vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi chính Ngài (là Chúa Giê-xu) – vốn chính là Con Đức Chúa Trời – đã được sai đến để đem sự cứu rỗi và một sự sống mới đến cho người thế gian. Tôi đã ngạc nhiên tự hỏi: Bức thông điệp này có ý nghĩa gì cho tôi chăng?

Tôi bắt đầu suy nghĩ về con đường mà tư tưởng khoa học đã tiến bộ qua nhiều thế kỷ. Loài người luôn luôn truy tìm chân lý. Họ luôn luôn muốn gia tăng kiến thức của mình về thế giới tự nhiên này. Họ chẳng bao giờ hài lòng với việc cứ sông trong các lãnh vực kiến thức hiện có, vốn đầy những khuyết điểm, những vết rạn nứt. Trong mọi ngành khoa học, các ý niệm có trước đều bị sửa đổi hoặc thay thế. Tôi nghĩ đến cách Copernicus đã đem sự tiến bộ đến cho thiên văn học vì ông không chịu chấp nhận quan điểm về vũ trụ của Ptolemy. Tôi suy nghĩ về cách thức mà các lý thuyết thật bất ngờ của Einstein đã vượt xa các ranh giới của Vật lý học Newton. Thế nhưng, khi tôi suy nghĩ về nhiều cuộc canh tân của chúng ta đó, thì tôi nhận thấy rõ ràng rằng ngay đến các hệ thống chân lý khoa học đúng nhất của chúng ta cũng vẫn còn bị hạn chế hết sức rõ rệt. Chúng chỉ đưa ra lời giải đáp cho một số các câu hỏi mà thôi, chứ chẳng bao giờ trả lời được cho mọi thắc mắc của con người.

Có một điều mà tôi quan tâm hơn hết. Là một nhà khoa học, tôi biết rằng bám vào những lý thuyết đã cũ hay chỉ đúng có một phần khi đã có các lý thuyết cao hơn, tức là bóp chẹt sự tăng trưởng của khoa học, và hạn chế phần tham gia của chính mình vào sự tiến bộ của khoa học. Với suy nghĩ đó trong tâm trí, tôi bắt đầu tự hỏi tại sao việc tôi phủ nhận chính sự hiện hữu của một lãnh vực thuộc linh lại có thể là hợp lý và khôn ngoan cho được. Sự hiểu biết của chúng ta về các hoạt động của não bộ vẫn còn rất thiết sót. Chúng ta chỉ mới biết quá ít về các kích thích mà nó phản ứng lại mà thôi.

Tôi đã xem xét thật kỹ phần ký thuật của Thánh Kinh về cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-xu với Ni-cô-đem. Ni-cô-đem muốn biết tại sao Chúa Giê-xu lại có thể làm được nhiều điều kỳ diệu như Ngài đã làm. Chúa Giê-xu trả lời rằng chỉ có một phương pháp duy nhất để bất cứ ai cũng đều có thể hiểu được quyền năng tể trị của Đức Chúa Trời: đó là người ấy phải “sanh lại”. Rõ ràng là Ni-cô-đem đã rất khó hiểu điều đó hơn chúng ta. Tôi nhận thức được rằng sự cần thiết phải được sanh theo cách đó – “nhờ Thánh Linh (của Đức Chúa Trời) mà sanh” như Thánh Kinh chép “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần” (Giăng 3:6) – cũng rất có thể là giải pháp cho vấn đề của chính tôi nữa.

Khi tôi tiếp tục truy tìm các chân lý cơ bản cho đời sống thuộc linh, tôi biết được rằng muốn bước vào đó, người ta phải ăn năn thống hối thật sâu sắc những năm mà mình đã sống độc lập đối với Đức Chúa Trời. Tôi khám phá ra rằng nếu tôi lấy đức tin đến với Ngài và tin rằng Ngài sẽ hành động để giúp đỡ tôi, thì Ngài sẽ làm việc ấy do tình yêu đối với tôi, bất chấp bất cứ việc gì tôi đã làm trước đó. Chỉ đến chừng đó, tôi mới có thể trở thành người còn sống trọn vẹn. Chỉ đến lúc đó, tôi mới có thể bắt đầu tăng trưởng thuộc linh.

Tôi cảm thấy phương pháp duy nhất để mình đoạn giao được với tâm trạng bất mãn kinh niên là phải đưa các lý thuyết ra thử nghiệm. Chính lúc đó, tôi đã bắt đầu cầu nguyện xin được giúp đỡ để nhận biết Đức Chúa Trời như điều rõ ràng là anh bạn láng giềng của tôi đã được.

Bấy giờ, tôi biết rất ít rằng khi lời cầu nguyện của tôi được nhậm, thì điều đó có nghĩa là tôi đã bước được vào một cuộc đời hoàn toàn mới mẻ một đời sống thuộc linh! Nếu vấn đề cơ bản của tôi vốn đã bắt rễ thật sâu và rất khó hiểu thì giải pháp cần thiết cũng phải ăn thật sâu và trọn vẹn. Và sự việc quả đã là như thế! Tôi khám phá ngay ra rằng nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu làm Chúa tể của đời sống tôi – và trở thành một người sống trong Thánh Linh Ngài – tức là đã bắt đầu một cơn phục hưng trọn vẹn cho cuộc đời mình từ chỗ sa đọa sâu thẳm nhất, để đạt được một trình độ rất cao. Bây giờ, tôi nhật thức được rằng sự thiếu thoải mái trước kia của tôi vốn là hậu quả của một phần ý thức về sự chết bẩm sinh, chỉ có thể nhờ một mình Đức Chúa Trời mới tạo được sinh lực. Tôi đã cần phải được tái sinh.

Giờ đây, tôi hiểu sự tái sinh như thế nào? Tôi xin nói như thế này: Đời sống thuộc thể là vật chất và có thể sờ nắn được – có thể nhận ra được bằng ngũ quan. Đời sống thuộc linh thì không phát hiện được trực tiếp bằng ngũ quan ấy, thế nhưng nó cũng thực hữu y như thế – y như tâm trí cũng có thật như não bộ vậy. Lẽ dĩ nhiên, đời sống thuộc linh tồn tại lâu dài hơn; Thánh Kinh khẳng định rằng nó là “sự sống đời đời”. Tôi đã khám phá ra rằng tình yêu, niềm vui và sự bình an mà đời sống ấy đem đến vượt xa các kết quả của đời sống thuộc thể suông mà thôi. Tôi đã bắt đầu hiểu được điều Chúa Giê-xu ngụ ý muốn nói khi Ngài phán rằng “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10).

Là một nhà khoa học tôi biết chắc rằng bám chắc vào những giả thuyết cổ lổ hay cục bộ khi đã có những lý thuyết khác đúng hơn và đầy đủ hơn, là kéo lui sự tăng trưởng và tiến bộ của Khoa học. Nhà khoa học mong được đến gần hơn với chân lý đầy đủ của thế giới vật chất, căn cứ trên các kết luận rút ra từ các nghiên cứu của mình. Cũng tương tự như thế tôi kết luận rằng phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là chối bỏ một kiến thức mới mẻ hơn, đúng hơn và đầy đủ hơn về bản thân chúng ta, sự sống và cái vũ trụ mà chúng ta đang sống trong đó.

Không chịu chấp nhận thần tánh đã được phơi bày thật rõ ràng của Chúa Cứu Thế Giê-xu – và đời sống thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta khi chúng ta đặt đức tin vào Ngài – là tự giữ mình để bị ứ đọng lại trong tình trạng bệnh hoạn thuộc linh. Một sự khước từ như thế sẽ có nghĩa là tự giam mình trong một thế giới vật chất, mà vật chất thì tạm thời chóng qua, còn các giá trị của nó thì vô cùng yểu mệnh. Tự nguyện giam mình trong một kiếp sống như thế tức là cố ý nhắm mắt lại đối với phần chân lý giải phóng, đưa đến sự sống vĩnh hằng.

Là một nhà khoa học, tôi đi tìm “chân lý” khoa học khi sưu tầm nghiên cứu, tuy biết rằng một chân lý như thế chỉ có tính cách tạm thời. Tôi có thể vượt lên trên hoặc bài bác nó bất cứ lúc nào. Nhưng từ khi tôi trở thành Cơ Đốc nhân, cuộc đời và công việc làm của tôi giờ đây được đặt trên nền tảng là câu khẳng định bao quát nhất cả chẳng chút hàm hồ về chân lý này: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã tuyên bố: Ta là chân lý “Vậy Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6)

“Vậy Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6)

Phải đi tìm mọi chân lý về vũ trụ này trong Ngài. Điều rắc rối đối với chân lý này, là nó thách thức cách định nghĩa và sự phát giác thông thường. Nó vượt trên cái lô-gíc của nhà khoa học, những lời nói cố thuyết phục người ta của chính trị gia, và lý luận sâu sắc nhất của nhà vô thần hay triết gia theo thuyết bất khả tri luận. Con đường duy nhất để đến với nó là được “sanh lại” nhờ đức tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chính là nhờ tin cậy Ngài mà tôi tìm được sự đầy đủ hoàn thiện mà trước kia tôi còn thiếu. Hôm nay, tôi biết mình đã tìm thấy chân lý vĩnh hằng trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đấng đã tuyên bố với những người chung quanh Ngài: “các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32).

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 130 Quốc Gia

We have 4924 guests and no members online

Your Language