Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

005. A2Chương 2 Nghe Tiếng Chúa

Chương 2 - 2.02 Nghe Tiếng Chúa

A1 - LÀM THẾ NÀO ĐỂ HUẤN LUYỆNDẫn nhập
Đức Chúa Trời còn đang phán với chúng ta ngày nay không?... Chúng ta có thể nghe tiếng Ngài không?
Nhiều nhà lãnh đạo Cơ Đốc vẫn bị lầm lẫn vấn đề này. Một số người tin rằng Đức Chúa Trời có thể hướng dẫn và đưa ra phương hướng khi chúng ta có nhu cầu. Một số khác nói rằng Đức Chúa Trời chỉ có thể phán với chúng ta qua những gì chúng ta đọc trong Kinh Thánh. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời vẫn đang còn phán với chúng ta bởi Thánh Linh của Ngài như Ngài đã từng phán trong thời Kinh Thánh. Còn bạn tin gì?

Sách lịch sử Pseudepigrapha có kể về một phái của người Pharisi hiện diện khoảng năm 800 TC. Giáo phái này dạy rằng tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn phán cho con người thì Ngài đã phán qua các sách của Môise. Còn bất cứ lời phán hoặc những sách tiên tri tiếp theo đều không có giá trị. Họ chỉ chấp nhận năm sách đầu của Kinh Thánh, không hơn không kém. Dường như nhiều nhà lãnh đạo Hội Thánh ngày nay cũng tin như vậy (với một vài sửa đổi). Ví dụ như những nhà "thần học Pharisi hiện đại” dạy rằng bây giờ Đức Chúa Trời chỉ phán với chúng ta qua những gì đã được chép trong Kinh Thánh. Ngoài ra Đức Chúa Trời không còn đang phán nữa. Mặc dù Kinh Thánh là một quyển sách hoàn tất, và không một ai dám thêm vào đó điều gì, thì ý nghĩ cho rằng chúng ta đang hầu việc một ĐỨC CHÚA TRỜI CÂM (Đấng không thể nói được) là một trò đùa thần học đại ngớ ngẩn. Trong thời Cựu Ước, nhiều người đã ngã chết bởi vì không vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời, nhưng ngày nay nhiều người ”...Cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời” (Hêbơrơ 12:25). Bảy lần chúng ta được cảnh cáo rằng: "Ai có tai mà nghe hãy nghe lời Đức thánh Linh phán (thì hiện tại) cùng các Hội Thánh” (Khải Huyền 2:7; 3:22)

A. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC NGHE TIẾNG CHÚA

Chúa Jesus phán: "Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Mathiơ 4:4). Từ ngữ nói ra được dùng trong thì hiện tại tiếp diễn. Điều này có nghĩa là một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sẽ còn xảy ra trong tương lai. Câu Kinh Thánh này có thể được dịch là: "Người ta sống... nhờ mọi lời đã được nói ra và vẫn tiếp tục được nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. ”Đức Chúa Trời là Đấng đã phán trong quá khứ, đang phán trong hiện tại, và còn tiếp tục phán trong tương lai. ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG PHẢI LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CÂM! Nói như vậy không có nghĩa là Kinh Thánh còn đang được viết và chúng ta phải bổ sung vào. Tôi KHÔNG tin như vậy. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời muốn "Ta sẽ ở và đi lại giữa họ, Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ sẽ làm dân Ta.” (I Côrinhtô 6:16), "anh em là thơ gởi gắm (thơ sống), để mọi người đều biết và đọc” (II Côrinhtô 3:2,3). Chúng ta cần phải nghe tiếng Chúa biết bao! Chúng ta chỉ có thể sống (có một đời sống được phước của Chúa trong Hội Thánh chúng ta ngày nay) bởi nghe mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời ngay trong lòng của chúng ta.

1. Biết Ý Muốn Của Đức Chúa Trời

Mỗi người lãnh đạo Hội Thánh đều đối diện với câu hỏi này: Đức Chúa Trời muốn tôi làm gì, và tôi phải để cho Đức Chúa Trời làm gì? Trách nhiệm của tôi chấm dứt ở đâu để cho Đức Chúa Trời bắt đầu hành động? Mặt khác, Kinh Thánh chép: "Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, bèn là bởi thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Xachari 4:6). Một số người gợi ý câu Kinh Thánh này dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ làm mọi việc bởi Thánh Linh của Ngài, còn chúng ta không cần phải làm gì cả. Nhưng mặt khác, Chúa Jesus phán: "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều" (Luca 12:47). Điều này dạy chúng ta cách rõ ràng rằng Đức Chúa Trời trao trách nhiệm cho các tôi tớ Ngài phải biết ý muốn của Ngài và làm theo. Chúng ta có thể giải quyết sự rắc rối này cách dễ dàng bằng cách nghiên cứu lại các lời của Chúa Jesus. "Đầy tớ này đã biết ý chủ mình mà không...theo ý ấy thì sẽ bị đòn nhiều”. Chúa Jesus đã đối chiếu người đầy tớ này với người đầy tớ không biết ý của chủ. Người đầy tớ đó sẽ ”bị đòn ít” (câu 48). Cả hai trường hợp: Nếu bạn biết mà không làm hoặc nếu bạn không biết mà không làm cũng đều bị đánh đòn.

a. Lời Làm Chứng Của Tôi

Khi tôi còn đang được huấn luyện để trở thành giáo sĩ, hầu như tôi thường làm chứng cho bất cứ người nào tôi gặp, với mong ước rằng sẽ có những người tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình. Tôi đã nghiên cứu sách vở, và rút ra dàn ý sau. Bằng cách chia xẻ cho tội nhân bốn điểm này, tôi có thể hướng dẫn vài người tin Chúa.
• Bạn là một tội nhân (Rôma 3:23) • Hình phạt cho tội lỗi là sự chết đời đời (Rôma 6:23). • Chúa Jesus gánh tội lỗi của bạn trên thập tự giá (IPhierơ 2:24) • Tiếp nhận Chúa Jesus và bạn sẽ được cứu (Giăng 1:12)
Tôi xin xác quyết rằng tất cả những điều trên đều là chân lý. Đây là điều mà tất cả mọi người cần biết để được cứu. Nếu họ tin những điều này thật lòng, họ sẽ được sinh lại từ trên cao bởi quyền năng tái tạo của Đức Thánh Linh. Nhưng suốt cả mùa hè năm đó, không có ai được sinh lại hoặc tiếp nhận Chúa mặc dù tôi đã cố gắng hết sức. Tôi đã làm điều gì sai? Tôi đã tin cậy quá nhiều vào công thức, phương pháp thay vì tin cậy vào sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Tôi đã không nghe tiếng Chúa hướng dẫn nên những cố gắng của tôi đã ở đưng (không kết quả). Vài năm sau, khi chứng kiến anh Heeley hướng dẫn hàng chục linh hồn trở lại với Đấng Christ tôi đã tìm ra lỗi lầm mình mắc phải trong khi chinh phục linh hồn. Mọi nơi anh Heeley đi đến, anh đều hướng dẫn nhiều người đến với Chúa. Khi anh Heeley cần hớt tóc, anh cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin hướng dẫn con đến một người nào cần Chúa và sẵn sàng tiếp nhận Ngài”. Anh lên xe và đi qua vài tiệm hớt tóc. Khi nào anh cảm thấy Đức Thánh Linh chỉ trong lòng anh tiệm nào, anh liền đi vào tiệm đó với lòng mong muốn đem người thợ hớt tóc đó trở về cho Đấng Christ. Rất ít khi anh thất bại. Khi anh Heeley muốn bơm chiếc xe đạp hoặc đi chợ cho vợ anh, anh đều làm như vậy. Anh cầu nguyện để nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh - rồi lắng nghe sự hướng dẫn dịu dàng của Đức Chúa Trời. Anh luôn tìm ra những tội nhân sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế vì anh vâng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Một ngày kia tôi hỏi anh: "Nầy anh Heeley ơi, anh đã dùng phương pháp gì để làm chứng cho những người khác vậy?”.
"Tôi không có một phương pháp nào cả” anh trả lời, "Tôi nghe tiếng của Thánh Linh hướng dẫn tôi phải nói điều gì cho họ. Tôi không bao giờ nói điều gì đó hai lần. Chúa giúp đỡ tôi biết nhu cầu của họ, và nói với họ điều đó trong sự quan tâm yêu thương. Điều này làm cho họ biết rằng Đức Chúa Trời và tôi đều quan tâm đến họ”.
Anh Heeley được sinh ra và lớn lên tại Shanxi nhưng mãi đến năm bốn mươi tuổi anh mới được nghe Tin Lành. Anh được một người chinh phục linh hồn lưu động là người tỏ ra yêu thương, quan tâm đến anh, hướng dẫn anh quay về với Đấng Christ. Bây giờ anh Heeley làm những gì người ấy đã làm. Anh đi khắp nước Trung Quốc bày tỏ lòng quan tâm, yêu thương mọi người và hướng dẫn họ quay trở lại với Đấng Christ. Bí quyết của anh là nghe và vâng theo tiếng của Đức Chúa Trời.
Tôi đã cố gắng bắt chước Heeley từ khi tôi gặp anh. Tôi đã nhận biết rằng Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn bạn nếu bạn mong muốn như vậy. Lắng nghe tiếng của Đức Chúa Trời và Ngài sẽ hướng dẫn bạn đến với những người đang cần sự cứu rỗi và sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế. Chúng ta không chỉ nghe theo tiếng Chúa trong khi chinh phục linh hồn nhưng trong cả những lãnh vực khác của chức vụ chúng ta. Vậy thì điều gì ngăn trở chúng ta nghe tiếng Chúa.

B. NHỮNG ĐIỀU NGĂN TRỞ CHÚNG TA NGHE TIẾNG CHÚA

1. Những Tấm Lòng Không Trọn Thành Trước Mặt Chúa "Vì con mắt Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (II Sử Ký 16:9). Những người trong thời Kinh Thánh đã hiểu rõ rằng tấm lòng là ngai của: 1) cảm xúc hoặc tình cảm, 2) những động cơ, và 3) những chủ đích của con người.

a. Tình Cảm Trần Tục

Nếu tình cảm của chúng ta đặt nền tảng trên những gì thuộc về thế gian hơn là những gì thuộc về thiên đàng, thì điều này làm buồn lòng Đức Chúa Trời (I Giăng 2:15). Kinh Thánh dạy chúng ta phải yêu mến Đức Chúa Trời với cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí và sức lực của chúng ta (Mathiơ 22:37).
b. Những Động Cơ Không Trong Sáng Nếu những động cơ của chúng ta không trong sạch như của tiên tri Balaam (Dân Số Ký 23:1-30) thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét chúng ta cách nghiêm khắc. Balaam đã đổi những ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho ông để lấy những của cải danh vọng và uy tín.
c. Những Ý Định Sai Lầm

Anania và Shaphiara (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-42) đã không thật thà khi dâng tiền vào công việc của Chúa vì họ đã giữ lại một phần lớn cho họ. Bởi vì ý định của họ sai lầm nên Đức Chúa Trời đã giết họ. Ô! Chúng ta cần phải canh giữ tình cảm, động cơ và ý định của chúng ta biết bao! để chắc chắn rằng nó trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biết rõ mỗi tấm lòng chúng ta. “Loài người xem bề ngoài nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (I Samuên 16:7). Chúng ta không thể dấu những điều này khỏi Chúa. Và nếu chúng ta không giữ lòng mình trong sạch, ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không nghe được tiếng Ngài.

2. Sự Cứng Lòng

“Ngày nay nếu chúng ta nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng” (Hêbơrơ 4:7). Khi tôi và nhóm của tôi đi truyền giảng Phúc Âm. Chúng tôi thường kiêng ăn và cầu nguyện để Đức Chúa Trời ban quyền năng và chúng tôi có thể chữa lành bịnh tật, chúc phước cho mọi người. Chúng tôi thường biệt riêng một ngày để kiêng ăn và cầu nguyện cho những vấn đề này. Chúng tôi thường chọn ba cặp (chồng và vợ) Cơ Đốc nhân đã trưởng thành để lập một nhóm cầu nguyện. Có lẽ chúng tôi có năm hoặc sáu nhóm như vậy trong những ngày kiêng ăn cầu nguyện. Những nhóm cầu nguyện xếp ghế thành vòng tròn và những người đến để được cầu nguyện sẽ ngồi vào giữa vòng tròn này. Chúng tôi khuyến khích những nhóm này cầu nguyện trong Thánh Linh (bằng tiếng mới - I Côrinhtô 14:13,14) và xin Thánh Linh ban quyền năng thiên thượng cho những người được cầu nguyện.

a. Sự không tha thứ ngăn trở tiếng Chúa

Có một phụ nữ đến trong vòng tròn cầu nguyện của vợ chồng chúng tôi. Căn bịnh viêm khớp nặng đã làm bà đau đớn ở lưng và bàn tay. Các ngón tay của bà bị co lại, bà không thể xòe ra được. Bà nói rằng Chúa đã ngừng phán với bà. Hơn tám tháng rồi bà không còn nghe tiếng Chúa nữa. Khi cả nhóm bắt đầu cầu nguyện trong Thánh Linh, trong trí tôi hiện lên một bức tranh về một cánh đồng lúa đã được thu hoạch. Đất khô cứng với những gốc rạ. Tôi đang suy nghĩ bức tranh này có ý nghĩa gì đối với nhu cầu của người chị em này, Đức Thánh Linh phán với tôi rằng: "Đây là bức tranh về tấm lòng của người chị em con. Chai cứng và khô cằn”. Tôi cầu nguyện "Chúa ơi, tại sao vậy” Thánh Linh trả lời rằng "chồng bà ta đối xử tệ với bà, và bà đã không tha thứ cho chồng. Sự không tha thứ của bà đã làm cho lòng bà cứng cỏi. Và bởi vì bà không tha thứ cho chồng nên bà cũng không được tha thứ. Tất cả những điều này gây nên sự chán nản khốn khổ trong lòng bà và nó làm cho bà phải chịu đau đớn bởi bịnh viêm khớp này.” Lúc đó tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng Thánh Linh đã phán với tôi như vậy. Vì vậy tôi đã thử để biết đó là lời của Thánh Linh hay là trí tưởng tượng của tôi. Tôi kể cho bà nghe về bức tranh (khải tượng) hiện lên tong đầu tôi. Tôi cũng thuật lại cho bà những gì tôi nghĩ là Chúa đã phán với tôi về tình trạng của bà. Rồi tôi hỏi "có điều nào đúng như vậy không?” Bà tan vỡ trong nước mắt và trả lời: "Vâng, anh Ralph ơi tất cả đều đúng”.

b. Sự Tha Thứ Làm Cho Nghe Tiếng Chúa Trở Lại

Sự thương xót của Chúa tràn ngập lòng tôi đối với người chị em yêu dấu này. Tôi nói với bà trong khi nước mắt chảy dài: "Chị ơi, Chúa Jesus yêu thương chị vô cùng. Ngài muốn chữa lành cho chị và chuyện trò với chị. Chị hãy nói lên sự tha thứ của chị rằng” Tôi tha thứ cho chồng tôi về những điều độc ác nào mà anh ấy đã làm để hành hạ tôi”. Khi chị làm như vậy Chúa sẽ chữa lành cho chị, chị sẽ có một tấm lòng mềm mại (thay vì tấm lòng cứng cỏi) và Chúa sẽ phán với chị. Bà đã làm như tôi gợi ý và chỉ trong ba phút các sự đau đớn của bịnh viêm khớp điều tan biến. Các ngón tay của bà được tự do và bà có thể bẻ nó như một người bình thường. Vài ngày sau bà nói với tôi qua dòng nước mắt của sự vui mừng rằng: "Anh Ralph ơi, Chúa đã nói chuyện trở lại với tôi. Ngài thật tốt biết bao.” Sau này tôi biết rằng bà là một người lãnh đạo trong một Hội Thánh lớn. Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng có một tấm lòng ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời thật quan trọng biết bao. Tấm lòng cứng cỏi, chai đá, vô tín và hàng chục "trạng thái lòng” khác ngăn trở chúng ta nghe tiếng Chúa.

3. Tình Trạng Chưa Được Tái Sanh

Tôi đã đi trên mười lăm xứ sở để giảng Tin Lành. Nan đề lớn nhất mà tôi gặp phải là những người lãnh đạo Hội Thánh chưa được tái sanh, những người giáo sĩ chưa từng được Thánh Linh của Đức Chúa Trời sanh lại. Có cần phải ngạc nhiên khi họ không nghe được tiếng Chúa? Cách đây hơn 200 năm, John Wesley nhà sáng lập một trong những phong trào phục hưng vĩ đại nhất trên thế giới, đáp tàu từ thuộc địa Georgia về Anh sau một chuyến truyền giáo tại đó. Ông đã ở đó để cố gắng xoa dịu hình phạt nặng nề của những người tù. Trên chuyến tàu, các giáo sĩ Moravian ở Bavaria đã hỏi ông rằng: "Nầy anh John Wesley, anh đã được sanh lại chưa?” Ông trả lời: "Tôi là một giáo sĩ thụ phong Anh Quốc giáo” "Đó không phải là điều chúng tôi hỏi anh, John ạ! Anh đã được Thánh Linh của Đức Chúa Trời sanh lại chưa?” John Wesley đáp: "Tôi đã hầu việc Chúa giữa những người tù, giúp đỡ kẻ nghèo khó và làm tất cả mọi việc lành từ khi tôi tốt nghiệp thần học” (John Wesley cố gắng tránh né vấn đề “Thiên đàng hoặc địa ngục” này). Những người Moravian vẫn cứ ép ông: ”Hỡi anh John, Chúa Jesus phán: Ngươi phải được sanh lại” Đương đầu với câu hỏi này nhiều lần, Wesley đã để nhiều thì giờ còn lại của cuộc hành trình đọc lại cuốn Tân ước của mình. Ông đã gặp những câu Kinh Thánh như thế này: "Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời” (Rôma 8:16).
Ông suy nghĩ: ”PhaoLô đang nói đến điều gì? ' Đức Thánh Linh làm chứng trong lòng chúng ta...' điều đó có nghĩa gì?” Rồi ông đọc trong I Giăng 1:10 "Ai tin đến Con Đức Chúa Trời thì có chứng ấy trong mình” Ông trầm ngâm "Ta chưa từng kinh nghiệm được chứng nào trong lòng như Giăng nói. Ta được sanh lại chưa?” Càng nói chuyện nhiều với những giáo sĩ Moravian và đọc Kinh Thánh Tân Ước bao nhiêu, ông càng tin chắc rằng mình chưa có “đức tin để được cứu rỗi”.

a. Đức tin để được cứu hay sự chấp nhận của trí tuệ

Một ngày kia ông đọc Giacơ 2:19 "Ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ”. Wesley bắt đầu nhận ra sự khác biệt giữa "đức tin để được cứu” và sự chấp nhận của trí tuệ về những sự kiện lịch sử được ghi lại trong Kinh Thánh về Chúa Jesus. Ma quỉ cũng tin những sự kiện đó nhưng không có đức tin để được cứu. Tin rằng Hội Thánh, những giáo sư thần học và hội đồng giáo sĩ không thể giúp ông có được sự sanh lại của Đức Thánh Linh, nên Wesley bắt đầu tìm kiếm sự thật thuộc linh này. Một thời gian ngắn sau khi trở về Anh, một đêm kia Wesley đi vào ngôi nhà thờ nhỏ tại Luân Đôn để nghe giảng. Đang khi ngồi nghe phúc âm được rao giảng cách rõ ràng và dễ hiểu, sau này ông làm chứng lại rằng: "Lòng tôi bỗng ấm áp khác thường”. Ông rời nhà thờ đêm đó với sự bình an, vui mừng và đầy sự tạ ơn. Cuối cùng ông đã kinh nghiệm được niềm vui của sự tái sanh. Bây giờ ông đã biết điều mà PhaoLô, Giăng và Giacơ nói đến. Cuối cùng thì ông đã biết sự khác nhau giữa lẽ thật thuộc linh về phúc âm và sự chấp nhận của trí tuệ về điều này. Ông dành những năm còn lại của chức vụ để chỉ cho mọi người biết rằng sanh lại là điều cần yếu biết bao.

b. Bạn Có Thể Biết Chắc Rằng Bạn Đã Được Cứu

Còn bạn thì sao? Bạn đã được sanh lại chưa? Bạn có thể biết được điều này. Tại sao bạn không mời Chúa Jesus ngự vào lòng bạn? Hãy cầu nguyện những lời đơn giản như vầy: "Lạy Chúa Jesus, con tuyên bố Ngài là Chúa của con. Con tin rằng Ngài đã gánh tội lỗi của con trên cây thập tự để giải phóng con khỏi tội lỗi. Con tin rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại và hiện nay đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Con tin cậy Chúa Jesus và chỉ có huyết Ngài mới có thể trả giá cho tội lỗi của con. Con xin tiếp nhận Đức Thánh Linh để Ngài làm chứng trong lòng con rằng con là con cái của Đức Chúa Trời. Con xin dâng mọi điều trong danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen.”
Nếu bạn thật lòng cầu nguyện như vậy, Chúa Jesus sẽ đến ngự vào lòng bạn. Bây giờ hãy đi và nói với mọi người rằng ”Tôi đã tiếp nhận Chúa Jesus làm cứu Chúa của tôi và tôi biết chắc chắn rằng tôi đã được cứu và tôi đang trên đường về thiên đàng”. Kinh Thánh chép: "Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi tin trong lòng mà được sự công bình còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rôma 10:9,10).
Bây giờ bạn đã được tái sanh và biết mình là ai - bạn là một ứng cử viên để Chúa Jesus bắt đầu phán với bạn. Bạn có thể nghe tiếng của Ngài. Chúa Jesus phán: "Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó và nó theo ta” (Giăng 10:27) Khi Chúa Jesus ngự vào lòng bạn, Ngài sẽ tẩy xóa lòng bạn và giải phóng nó khỏi tội lỗi và sự tối tăm, cất đi khỏi bạn tấm lòng cứng cỏi và ban cho bạn tấm lòng bằng thịt dịu dàng, mềm mại để có thể nghe tiếng Ngài. "Các ngươi sẽ trở nên sạch... Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo” (Êxêchiên 36:25-27).
(Phần 2) .... Mehr anzeigen

Chương 2b NGHE TIẾNG CHÚA
4. Sự Không Vâng Lời Ngăn Trở Tiếng Chúa

Anh Judson Corn Wall kể lại rằng một lần kia khi anh đang cầu nguyện với Chúa cách nhiệt thành, cầu xin Ngài phán với anh. Cuối cùng Chúa phán hỡi Judson, làm sao ta có thể phán với con khi con không làm theo những điều ta phán cùng con lần trước”. Anh CornWall lập tức đứng dậy làm những điều Chúa đã bảo anh trước kia. Sau đó anh b...ắt đầu nghe tiếng Chúa trở lại. "Như vậy đức tin đến bởi sự người ta nghe lời của Đức Chúa Trời” (Rôma 10:17). Đức tin có thể được định nghĩa là "sự vâng theo những gì Đức Chúa Trời phán bảo”. Nghe tiếng Chúa không có nghĩa là chỉ nghe bằng lỗ tai của bạn. Nhưng có nghĩa là vâng theo những gì Ngài đã phán. Khi con trai tôi được chín tuổi tôi bảo nó rằng ”Con đem giỏ rác đổ vào thùng lớn kia”. Nó trả lời "vâng thưa bố”. Ba muơi phút sau tôi trở về và thấy giỏ rác vẫn còn y chỗ cũ. Có phải con trai tôi đã nghe tôi? Theo nghĩa Kinh Thánh thì không. Nó đã không nghe tôi cho đến khi nó vâng lời tôi. Tôi đã gọi con trai tôi vào và chỉ cho nó thấy cái "giỏ” mà tôi đã để sẵn trên bàn học của nó. Lần này thì nó đã nghe tôi và xách giỏ rác đi. Đức tin đến bởi sự nghe lời Đức Chúa Trời, đó là nghe và làm theo những gì Đức Chúa Trời phán dạy.

a. Sự Kiêu Căng Ngăn Trở Sự Vâng Lời

Trở ngại lớn nhất cho sự vâng lời của chúng ta là sự KIÊU CĂNG. Tôi đã nghe Oral Roberts nói như thế nầy: “Mỗi khi tôi đặt tay cầu nguyện cho kẻ bịnh, tôi lại phải đóng đinh sự kiêu ngạo của tôi lên thập tự giá bởi vì tôi biết rằng chỉ một số ít người tôi cầu nguyện cho sẽ lành bịnh.” Mặc cho những người nghi ngờ, những người chế giễu và những nhà báo hay phê bình, Oral Roberts vẫn kiên nhẫn làm những điều mà Chúa bảo ông làm với sự khiêm nhường. Hàng ngàn người đã được chữa lành bởi sự trung tín của ông đối với sự kêu gọi cách lạ thường của Chúa và chức vụ chữa bệnh ngày càng được mở rộng ra hơn.
Nhiều người trong chúng ta đã thối lui không làm điều mà Chúa phán bảo bởi vì chúng ta sợ những người khác sẽ nghĩ về chúng ta như thế nào nếu như chúng ta vâng lời Chúa. “Sự sợ loài người gài bẫy” (Châm Ngôn 29:25). “Sự sợ loài người” là cách nói khác của sự kiêu ngạo. Về cơ bản, là chúng ta không làm những gì Chúa muốn chúng ta làm bởi vì LÒNG KIÊU NGẠO. Tâm trí xác thịt của chúng ta nghĩ rằng “Nếu chúng ta thử làm điều Chúa bảo chúng ta và thất bại, thì những người khác sẽ nghĩ gì? Những bạn bè đồng công sẽ không hiểu tôi. Giáo phái của tôi cũng sẽ không chấp nhận những điều mà Đức Chúa Trời bảo tôi làm. Tất cả những tư tưởng đó bắt nguồn từ sự sợ loài người- SỰ KIÊU NGẠO! Rất nhiều người ao ước làm theo ý Chúa nhưng đã thối lui vì sợ loài người. Tôi thường bị hỏi rằng: “Nầy anh Ralph, làm sao anh có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời đang phán với anh?” Tôi trả lời: ”Không phải lúc nào tôi cũng chắc chắn hết. Đôi khi tôi không biết rõ ràng. Tôi phải thử. Tôi kiểm tra các sự kiện với những người có thể liên quan đến.” Kinh Thánh chép “Hãy xem xét mọi điều” (I Tê sa lô ni ca 5:21). Cách duy nhất để bạn chứng minh một điều gì là phải thử điều đó. Tôi thường thất bại khi làm thử- nhưng một trong những yếu tố của đức tin là sự rủi ro. Bạn phải liều mình trở thành kẻ điên dại vì cớ Đấng Christ.” Đừng để sự kiêu căng làm tê liệt bạn. Hãy thử làm những gì bạn cảm thấy Đức Chúa Trời bảo bạn làm. Tuy nhiên đôi khi bạn sẽ thất bại- nhưng cũng sẽ có thành công. Hãy liều mình. Bước ra trong đức tin và thử làm những điều kỳ diệu cho Đức Chúa Trời.

b. Những Định Kiến Ngăn Trở Sự Vâng Lời

Một trong những câu chuyện hay nhất được chép trong Kinh Thánh là II Các Vua chương 5, đã minh họa cách sống động những định kiến của chúng ta đã ngăn trở chúng ta nghe và vâng theo tiếng Chúa như thế nào.

1) Na-a-man Suýt Đánh Mất Một Phước Hạnh

Na-a-man là quan tổng binh của Vua Si-ry có một đứa tớ gái Ysơraên bị bắt trong chiến tranh. Na-a-man bị bệnh phung nan y. Đứa đầy tớ gái nói với ông rằng trong Ysơraên có một nhà tiên tri tên là Êlisê là người có quyền năng của Đức Chúa Trời để chữa lành mọi bịnh tật. Nhờ tài ngoại giao khéo léo, Na-a-man liên lạc với vua của Ysơraên và sắp xếp viếng thăm tiên tri Êlisê. Khi Na-a-man đến tại cửa nhà Êlisê, vị tiên tri sai đầy tớ ra nói lại những gì Đức Chúa Trời bảo Na-a-man phải làm. “Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giô-đanh thịt ngươi tất sẽ nên lành, và ngươi sẽ được sạch” (II Các Vua 5:10). Na-a-man giận dữ bước ra khỏi nhà, vừa đi vừa nói rằng: “Ta nghĩ rằng vị tiên tri theo phép lịch sự thông thường sẽ ra đón ta, ta nghĩ ông ta sẽ cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ phung và ta sẽ được lành” (Hãy lưu ý định kiến ông sẽ được chữa lành như thế nào). “Nếu ta cần phải tắm dưới sông- Ta sẽ trở về Siry tắm dưới sông A-ba-na và Bạt-ba có nước trong như pha lê- chứ không tắm dưới dòng sông Giô-đanh bùn lầy nầy”. Suy nghĩ như vậy, ông giận dữ bước ra. Một trong những người đầy tớ nài xin ông: “Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao, phương chi sao cha không vâng theo (từ mấu chốt) khi người bảo cha rằng hãy tắm thì được sạch? Cuối cùng thì Na-a-man cũng bị thuyết phục, đi xuống sông Giô-đanh và trầm mình bảy lần như nhà tiên tri đã bảo ông. Khi ông vâng lời thì da thịt ông lành lặn như da thịt của đứa trẻ. Na-a-man đã hoàn toàn được chữa lành. Na-a-man suýt đánh mất cơ hội phước hạnh mà ông đang tìm kiếm. Tại sao? Bởi vì định kiến của ông về cách Đức Chúa Trời sẽ chữa bịnh cho mình. Định kiến và sự kiêu ngạo của ông đã ngăn cản ông vâng lời. Bạn thấy chưa, định kiến đâm rễ trong sự kiêu căng. Có một câu nói rất tác hại là “Ta biết mọi sự. Ta có thể nhận biết mọi sự trước khi xảy ra -như sự đó sẽ xảy ra” (một phẩm chất đáng tôn thờ). Khi mọi việc không xảy ra như chúng ta đã định trước- điều đó phá đổ hình ảnh đáng tôn thờ (đầy kiêu ngạo) của chúng ta, và chúng ta, giống như Na-a-man, bước ra một cách giận dữ và rất phật ý bởi vì Đức Chúa Trời đã không làm theo định kiến của chúng ta về cách mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện.

2) Khuôn Mẫu Của Đức Chúa Trời Cho Cuộc Đời Bạn

Giáo lý thần học của chúng ta (một định kiến về Đức Chúa Trời) thường dẫn đến mâu thuẫn với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong đời sống chúng ta - và khi xảy ra như vậy, chúng ta phải đối diện với sự nguy hiểm nghiêm trọng là lạc mất ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời buộc tôi phải trở thành một nhà truyền giáo lưu động, tôi phản đối cách kịch liệt. Bởi vì trong mười một năm tôi đã mở nhiều Hội Thành và chăm sóc cho họ. Bây giờ Đức Chúa Trời bảo tôi phải làm công việc mà tôi sẽ không còn chăm sóc các Hội Thánh địa phương nữa. Tôi cãi lại: ”Chúa ơi điều đó không có căn cứ trên Kinh Thánh. Mọi việc Ngài làm hoặc sẽ làm, Ngài phải làm qua Hội Thánh địa phương”. Đó là giáo lý của tôi lúc đó. Tôi đã phản đối cùng Đức Chúa Trời rằng: ”Ý kiến truyền giảng lưu động không phải là kiểu mẫu của sách công vụ các sứ đồ. Có lẽ con sẽ làm mọi việc theo khuôn mẫu” (Hêbơrơ 8:5 là câu Kinh Thánh đắc ý nhất của tôi). Một buổi sáng chủ nhật kia, khi tôi đang đi đến giảng ở một nơi nọ, Chúa đã phán với tôi rằng: ”Tại sao con không đọc những câu Kinh Thánh còn lại? Tôi đã biết Chúa muốn phán gì. Đọc phần còn lại của 8:5. “Chúa ơi, tại sao con phải đọc phần còn lại của câu Kinh Thánh này? Con đã đọc nó hàng trăm lần rồi. Con cũng chia sẽ câu Kinh Thánh đó mấy lần. Con cũng biết những câu Kinh Thánh trước đó và sau đó nữa. Vậy thì tại sao lại phải đọc phần còn lại của câu Kinh Thánh này?” Tiếng Chúa vẫn cứ thúc giục trong lòng tôi: “Con hãy đọc phần còn lại của câu Kinh Thánh đó”. Tôi đã mở Kinh Thánh ra và đọc: “Đức Chúa Trời phán bảo rằng hãy cẩn thận, làm mọi việc theo như kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi tại trên núi” (Hêbơrơ 8:5). Bốn chữ đã chạm vào tôi như một dòng điện: “Đã chỉ cho ngươi”. “Hãy làm MỌI VIỆC theo như kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi” Giáo lý thần học của tôi được đặt trên kiểu mẫu đã chỉ cho Môise, cho Đavít, cho Hội Thánh đầu tiên, nhưng Đức Chúa Trời đã phán rằng: “Con phải làm theo cách mà Ta chỉ cho con. Nôê đã đóng chiếc thuyền theo kiểu mẫu Ta đã chỉ cho Nôê. Môise đã làm hòm giao ước theo kiểu mẫu Ta đã chỉ cho Môise. Salômôn xây dựng đền thờ theo kiểu mẫu Ta đã chỉ cho ông. Phierơ, PhaoLô, GiaCơ và Giăng đã làm những gì Ta bảo họ làm. Đó là kiểu mẫu của Ta cho đời sống họ. “Con phải làm những gì Ta bảo con làm. Đó sẽ là kiểu mẫu của Ta cho đời sống của con”. Cuối cùng tôi đã hiểu. Tôi đã nghe và vâng theo tiếng của Đức Chúa Trời. Tôi đã không thể tự mình làm gì chỉ bởi “điều đó phải luôn luôn được làm theo cách này”. Tôi phải vâng theo Đức Chúa Trời.
Hỡi các bạn của tôi, đó vẫn còn là một nan đề phải không? Đức Chúa Trời có một chương trình cho mỗi chúng ta. Chức vụ mà Chúa ban cho Billy Graham giống như chức vụ của Giăng Báptít mà Kinh Thánh làm chứng rằng: ”Giăng chưa làm phép lạ nào” (Giăng 10:41). Keneth Hagin và Oral Roberts cũng như Êtiên là những người: ”...làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:8). Cả ba giáo sĩ vĩ đại này đang làm những gì Đức Chúa Trời đã bảo họ làm - tuy nhiên không ai giống ai hết. Mỗi người trong chúng ta phải nghe và vâng theo tiếng của Đức Chúa Trời. Đó là điều phân biệt bạn với hàng ngàn người khác. Phần đông trong số họ không nghe và vâng theo tiếng Chúa. Nhưng bạn phải nghe và vâng theo tiếng Ngài.
Đừng để những truyền thống của bạn ngăn trở bạn làm theo những gì Đức Chúa Trời bảo bạn làm.
Hãy nghe và vâng theo tiếng Ngài.
Một số người sẽ khinh bỉ chống đối và chỉ trích bạn.
Số khác sẽ nghi ngờ và tấn công bạn.
Niềm kiêu hãnh của bạn sẽ bị tổn thương.
Nhưng mặc cho bất cứ điều gì xảy ra, Hãy làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

3) Kinh Nghiệm Trên Đảo Khusan

Vào năm 1962 tôi cùng một người bạn nữa đi truyền giáo cho một hòn đảo nhỏ nằm ngoài bờ biển phía đông của tỉnh Zhejiang. Có một tín đồ tin Chúa cách đây ba năm mời chúng tôi đến để thành lập Hội Thánh. Theo lệ thường của những người truyền giáo, tôi đã giảng cách nhiệt thành trong mấy đêm - nhưng không có một ai trở lại với Đấng Christ. Người bạn giáo sĩ và tôi hết sức nản lòng, và thất vọng. Chúng tôi thông báo một buổi cầu nguyện vào lúc 4 giờ mỗi buổi sáng. Bằng cách này, chúng tôi có thể cầu nguyện với một số thành viên trước khi họ đi đánh cá hoặc thâu gặt mùa màng. Chúng tôi nghĩ rằng khoảng mười hay muời hai người đến tham dự. Nhưng thật ngạc nhiên, ngôi nhà thờ nhỏ chật ních với hơn 100 người (Bằng với số người đến dự mỗi buổi tối truyền giảng). Bây giờ mọi người đều biết bạn không có những cuộc vận động truyền giáo vào lúc 4 giờ sáng - nhưng đây là điều mà buổi cầu nguyện đã đem lại. Đức Chúa Trời đã đập vỡ những định kiến của tôi về phương cách Ngài sẽ làm và dạy tôi bài học về việc nghe và vâng theo lời Ngài. Chúng tôi thường bắt đầu thì giờ cầu nguyện bằng điệp khúc ngắn như thế này:
Xin ngự vào lòng con, xin ngự vào lòng con. Hỡi Thánh Linh êm dịu, xin ngự vào lòng con. Khi con ngồi nơi chơn Ngài, lòng con được thỏa nguyện. Hỡi Thánh Linh êm dịu, xin ngự vào lòng con.
Sau khi đã hát một hoặc hai lần, một phụ nữ bắt đầu nói tiên tri. Giọng cô ngập ngừng. Cô ngập ngừng như rất khó khăn khi thốt ra những lời đó. Điều nầy làm tôi hơi bối rối nhưng tôi nghĩ ”Hãy để cho linh hồn khốn khổ này cố gắng - cô ta sẽ không gây ra điều phiền toái nào đâu”. Cô lập lại ba lần những lời này: ”Hãy cởi giày ngươi ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. Tôi cảm thấy thương hại cho cô bởi vì những lời nói lắp bắp của cô không thích hợp với giờ phút như thế này. Người bạn tôi, anh Heeley, lại nghe hoàn toàn khác. Anh nghe tiếng phán của Thánh Linh kêu gọi tội nhân ăn năn. (Tôi rất vui mừng vì anh có lỗ tai thuộc linh tốt hơn tôi). Anh đứng dậy và bắt đầu nói cách nhỏ nhẹ, ”Hỡi anh em, tôi tin Chúa đang phán với chúng ta và chúng ta phải vâng lời Ngài. Tôi không biết chắc có phải Chúa phán theo nghĩa đen là chúng ta cởi giày hay không. Nhưng trong trường hợp này sẽ không có gì nguy hại nếu chúng ta làm như vậy.” Chúng tôi bắt đầu cởi giày cách có ý thức xen lẫn cảm giác hơi không bình thường. Anh Heeley tiếp tục: “Có lẽ đây là điều mà Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Chúng ta sẽ phải cởi bỏ những chiếc giày cũ của đời sống tội lỗi mà bước đi trong đường lối của đời sống công bình. Chúng ta phải từ bỏ đời sống nô lệ và phản nghịch mà bước đi trong đời sống mới tự do và vâng phục Chúa Jesus”. ”Nếu các bạn muốn thực hiện ngay bây giờ, chỉ cần các bạn để những chiếc giày ra phía sau và bước xuống để chúng ta cùng cầu nguyện chung với nhau. Tôi sửng sốt, những “bài truyền giảng năng nổ” của tôi đã không mang lại kết quả, nhưng sự nghe và vâng lời Đức Chúa Trời cách nhạy bén của anh Heeley đã có kết quả. Mọi người bắt đầu đến quỳ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ từ mọi ngõ ngách. Và điều kỳ diệu nhất mà tôi từng chứng kiến đã xảy ra. Khi họ bước lên phía trước, dường như có một sợi dây vô hình ở ngay đằng trước. Tất cả những người tiến lên tiếp nhận Chúa, đi qua sợi dây đó đều ngã sấp mặt xuống đất như bị một thiên sứ vô hình đánh ngã. Đây chính là những người nông dân và những người đánh cá có thể chịu đựng cay đắng trong cuộc sống lại bị xô ngã xuống nền nhà thờ khóc lóc thảm thiết trong sự đau đớn và ăn năn về tội lỗi của mình như thể lòng họ đang tan vỡ.
Tôi nghĩ rằng khi tốp người đầu tiên ngã xuống những người còn lại sẽ hoảng sợ và chạy ra khỏi buổi nhóm. Nhưng không, họ cứ thẳng hàng tiến tới cho đến khi hết thảy tội nhân điều nhận được món quà của sự ăn năn và sự cứu rỗi. (Hơn 50 người trở lại với Đấng Christ). Ô! Ai đã từng nghe một cuộc chinh phục linh hồn như vậy chưa? Có ai đã nghe “phương pháp” truyền giáo như vậy chưa? Nhưng bạn thấy đó, bí quyết chỉ là “có một lỗ tai để nghe những gì Đức Thánh Linh phán”. Tôi phải xấu hổ thừa nhận rằng tôi đã không nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh khi những điều đó xảy ra. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời, bạn tôi đã nghe và đã vâng lời Chúa. Và một cuộc phục hưng lớn đã nổ ra liên tiếp từ đảo này cho đến đảo khác.
Lạy Chúa! Xin giải phóng con khỏi sự không vâng lời, những định kiến, những truyền thống và tấm lòng cứng cỏi là những điều ngăn trở con nghe tiếng Chúa và vâng theo Ngài. AMEN!

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 1971 guests and no members online

Your Language