Huấn Luyện Người Lãnh Đạo Hội Thánh

008. A2Chương 5 Bài Học Từ Cuộc Đời Giô-sép

Chương 5 - A2.5 Bài Học Từ Cuộc Đời Giô-sép

huanluyennguoilanhdao1 1210x739Dẫn nhập
Vài năm trước đây, anh David Edwards đã thuyết trình về cuộc đời Giôsép trong một buổi hội nghị.... Ông nói: “Cuộc đời của Giôsép có thể được tóm tắt trong ba lời này: Bị bỏ xuống hố, bị bỏ tù và được đặt lên ngai” (Pitted, Potted and Putted). Đây là ba từ dàn ý của chương này. Khi còn trẻ tôi thường khóc mỗi khi đọc về cuộc đời của Giôsép (Xem Sáng Thế Ký 37:1-49:33). Trong nhiều năm tôi không hiểu điều gì đã xảy ra và tại sao? Tại sao câu chuyện về Giôsép lại cảm động tôi đến như vậy?
Chức vụ của tôi phát triển từ năm tôi mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi. Trong những năm này, tôi bắt đầu nhận thấy cuộc đời tôi rất giống cuộc đời của Giôsép. Sự trùng hợp kỳ lạ đến mức tôi không giải thích được. Dường như Đức Chúa Trời đã hoạch định một khuôn mẫu cho đời sống tôi giống như của Giôsép. Bây giờ vào tuổi sáu mươi tôi càng bị thuyết phục hơn rằng điều này là thật. Hơn bốn mươi năm thi hành chức vụ, tôi đã nói chuyện với hàng chục nhà lãnh đạo Hội Thánh, là những người có cùng kinh nghiệm như Giôsép và của chính tôi. Trong khi không phải lúc nào “sự đồng cảm thuộc linh” sâu sắc đó cũng hiện diện trong tôi, những người lãnh đạo này luôn nhận biết chắc chắn rằng những sức mạnh không thể giải thích được đang uốn nắn cuộc sống và chức vụ của họ. Vì lý do này, tôi nghĩ rằng khảo sát cẩn thận về cuộc đời Giôsép đã được chuẩn bị thế nào cho chức vụ lãnh đạo là một việc làm hết sức cần thiết. Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ điều gì đã, đang xảy ra và điều gì sẽ xảy ra khi Đức Chúa Trời chuẩn bị bạn cho chức vụ lãnh đạo và những trách nhiệm to lớn. Khi bạn đọc được những điều tiếp theo đây, tôi hy vọng bạn sẽ nhận được sự khích lệ nhiều như tôi đã nhận được qua cuộc đời Giôsép.

A. BỊ BỎ XUỐNG HỐ

1. Một Sự Kêu Gọi Rất Sớm

Cũng như tôi, Giôsép đã nhận được sự khải thị liên quan đến sự kêu gọi khi ông còn là một thiếu niên. Vào tuổi mười bảy, ông đã được Đức Chúa Trời ban cho những giấc mơ, gồm những điều tỏ ra rằng ông sẽ giữ một vai trò lãnh đạo nổi bậc để ông có thể giúp đỡ những người khác. Cũng giống như tôi, Giôsép đã không có sự khôn ngoan để giữ miệng mình và điều này đã gây cho ông một nan đề lớn với anh em mình. Những giấc mơ của ông không được các anh quan tâm lắm. Có lẽ Giôsép đã có một chút tự hào thuộc linh mặc dầu Kinh Thánh không nói điều này. Bởi vì Giôsép là người con trong tuổi già của cha, nên Ysơraên thương yêu ông hơn những người con khác. Ông đã làm cho Giôsép một chiếc áo nhiều màu sắc rất đẹp. Đây là một chiếc áo giống như trang phục của các hoàng tử mặc trong cung điện. Ngược lại các anh của Giôsép phải mặc những chiếc áo chẻn và những chiếc quần của người chăn cừu, là trang phục của những người làm ruộng. Tất cả những điều này làm cho mười một người anh lớn của ông tức giận và ghen tị với những đặc quyền của ông. Một ngày kia, Ysơraên sai Giôsép đi kiểm tra các anh của ông và về báo lại tình trạng của bầy chiên. Khi những người anh thấy Giôsép đang đến, họ bàn với nhau cách để giết ông sao cho trông có vẻ là một tai nạn. Nhưng Rubên, người anh cả, đã ngăn cản và đề nghị họ ném Giôsép xuống một cái hố gần đó. Vì vậy, Giôsép bị bỏ xuống hố.

2. Những Thử Thách Và Trở Ngại

Cũng như trong thời đại của Giôsép, ngày nay nhiều người được kêu gọi để trở thành Mục sư khi tuổi còn rất trẻ. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, tôi tham gia vào “nhóm anh em” của tôi trong trường huấn luyện các giáo sĩ, nơi họ được chuẩn bị để đi ra giảng Tin Lành. Trong suốt thời gian ở đó, tôi luôn gặp những rắc rối vì nhiều sinh viên đang được báptem bằng Đức Thánh Linh. Bởi vì tôi xuất thân từ một “gia đình đầy dẫy Thánh Linh” nên họ thường xem tôi là người đáng tin cậy, và thường được “gọi đến bên tấm thảm” để giải thích tôi đã từng có kinh nghiệm như thế nào trong những điều đã xảy ra. Thật ra tôi chỉ nói chuyện với những sinh viên đến với tôi để hỏi về Đức Thánh Linh. Chỉ có ba hoặc bốn người đã đến với tôi trong số hàng chục người được đầy dẫy Đức Thánh Linh trong năm đó. Những người khác được đổ đầy Đức Thánh Linh khi họ ở một mình trên núi để cầu nguyện và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy tấm lòng đói khát của họ và Đức Thánh Linh đã đầy dẫy trên họ. Thời gian cứ trôi qua và tôi làm các bổn phận của mình cách chăm chỉ. Vì tôi có kinh nghiệm chạy máy in, nên tôi đã làm việc nhiều tuần lễ trong một cửa hiệu in cách vui vẻ nhưng không cần tiền thù lao. Sau đó do có khả năng về máy móc, tôi đã làm việc thêm nhiều tuần lễ để chế tạo lại chiếc máy bay chở hàng hóa thành máy bay chở hành khách để chở các giáo sĩ đi các nơi trên thế giới.
Khi các sinh viên tốt nghiệp được xem xét lại để cử đi làm giáo sĩ, người ta đưa tôi một tờ giấy và bảo tôi ký vào. Và tôi bị buộc phải hứa không bao giờ giờ dạy dỗ hoặc giảng về phép báp tem trong Thánh Linh. Dĩ nhiên tôi không thể ký vào một tờ đơn như vậy. Tôi phải thành thật với Kinh Thánh và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trên đời sống tôi. Tôi đã bị buộc phải rời khỏi trường vì từ chối. Tôi rời trường với tấm lòng tan nát vì bị “bỏ xuống hố” nầy. Không một người nói “cám ơn” vì những gì tôi đã làm. Mặc dù vậy tôi vẫn thương yêu họ. Vì vài năm sau tôi đã đóng góp tiền bạc vào ngân quỹ chung của hội truyền giáo này và góp phần hỗ trợ các giáo sĩ.

B. BỊ BỎ TÙ

Trong khi các anh của Giôsép đang bàn luận phải làm gì với ông, có một đoàn dân Íchmaên đi ngang qua. Giuđa bèn nói cùng các anh em rằng: “Tại sao chúng ta không bán nó cho những người Íchmaên kia?” “Ý kiến hay lắm” các người còn lại đồng thanh. Và mọi việc xảy ra y như vậy. Vì ba mươi miếng bạc mà Giôsép đã bị bán làm nô lệ (bằng với giá mà Giuđa đã bán Chúa Jesus). Tại Aicập, trong một cuộc bán đấu giá nô lệ, Phôtipha, quan thượng thư của Pharaôn đã mua Giôsép làm nô lệ. Không lâu sau đó Phôtipha nhận biết Đức Chúa Trời phù hộ Giôsép và làm cho mọi vật nơi tay ông được thạnh vượng. Vì vậy, ông đặt Giôsép cai quản nhà cửa, và phó của cải mình cho Giôsép hết.

1. Sự Cáo Gian

Giôsép là một thanh niên, đẹp trai, và vợ Phôtipha bắt đầu để ý đến chàng và ép chàng ngủ với mình. Giôsép phản dối, nên bà ta bèn nắm áo và cố nài ép chàng. Vì vậy Giôsép phải bỏ áo chạy trốn. Đêm đó bà nói với Phôtipha rằng Giôsép đã định hãm hiếp bà. Phôtipha giận dữ kinh khiếp và ra lệnh bỏ Giôsép vào tù. “Người ta cột chơn người vào cùm làm người bị còng xiềng” (Thi Thiên 105:18). Bởi mưu kế của vợ Phôtipha mà Giôsép bị bỏ tù. (potted) Bạn có thể nhận ra những nan đề như thế này khi hồi tưởng lại những năm đầu tiên trong chức vụ của bạn không? Có thể ngay bây giờ bạn phải chịu “bỏ xuống hố” hoặc “bỏ vào tù”.

2. Đức Chúa Trời Chịu Trách Nhiệm

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc câu Kinh Thánh này: “Ngài sai một người đi trước Ysơraên, là Giôsép bị bán làm tôi mọi” (Thi Thiên 105:17). Đức Chúa Trời sai Giôsép? Tôi đã tưởng rằng các anh của Giôsép đã đã tính toán chuyện giết ông và đã bán ông làm nô lệ. Vâng đó là câu chuyện theo cái nhìn của con người. Nhưng theo quan điểm của Đức Chúa Trời, Ngài hiện diện khắp mọi nơi và dùng mọi sự hiệp lại làm ích cho gia đình ông. Ước gì chúng ta có thể hiểu được những điều này khi thử thách, khổ nạn, sự chối bỏ, sự hiểu lầm và sự bất công xảy đến trên đời sống của chúng ta. Đức Chúa Trời đang chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta không phạm tội với Ngài vì đã có những hành động sai trái, và đang chịu khổ không phải vì những sự cố ý bất tuân của mình, thì chúng ta có thể biết chắc rằng Đức Chúa Trời khiến tất cả mọi sự dường như chống lại chúng ta trở nên có ích cho chúng ta và cho những người khác nữa.

3. Một Ví Dụ Cá Nhân

Đức Chúa Trời đã phải dạy tôi những bài học quí giá về sự “bị bỏ tù”. Khi tôi bắt đầu là một nhà truyền đạo trẻ tuổi, bắt đầu mở nhiều Hội thánh mới, những lãnh đạo trong các Hội thánh khác đã đưa ra những lời buộc tội sai trật để chống lại tôi. Tôi đã không làm điều gì sai trái, nhưng bởi vì những sự hy sinh tôi đã làm trong khi hầu việc Đức Chúa Trời, những người khác đã nghi ngờ và ganh ghét.

a. bị xét đoán

Tôi đã nhận biết rằng mình phải chịu xét đoán bởi những anh em mà tôi chưa hề làm hại họ. Tôi đã bị những anh em tôi tin cậy phản bội. Nhưng khi tôi kiêng ăn và cầu nguyện, Chúa đã ban cho tôi những lời hứa quí báu này: “Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó, có lòng ăn năn đau đớn, nghe lời nói ta mà run... “Hỡi các ngươi là kẻ nghe lời phán của Đức Giê-hô-va mà run, hãy nghe lời Ngài: anh em các ngươi ghét các ngươi, vì cớ danh ta bỏ các ngươi. “Họ nói rằng xin Đức Giê-hô-va được vinh hiển, đặng chúng ta thấy sự vui mừng của các ngươi! Nhưng chính họ sẽ bị hổ thẹn” (Êsai 66:2,5).
Tôi được thuyết phục hai điều qua những câu Kinh Thánh này. Một: Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tôi phải giữ thái độ khiêm nhường và không được đáp trả trong sự tức giận và hung dữ. Hai: Tôi phải chịu anh em mình “dẫm lên chơn” (Bị các lãnh đạo Hội Thánh khác xoi mói phản bội). Một ngày kia Chúa ban cho tôi một sự chỉ dẫn thuộc linh rất đặc biệt và điều này đã khiến tôi bị tràn lấn. Đó là một câu Kinh Thánh chính xác và rõ ràng cho hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ. Tôi biết chính xác điều gì sẽ xảy ra và tôi phải làm gì. Trong trường hợp này lời của Đức Chúa Trời đã đến với tôi qua thơ Giăng III. Thơ tín này kể về câu chuyện của một người tên là Điôtrép. Ông được mô tả qua những lời như thế này: “Người lại không tiếp rước anh em, mà ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội Thánh” (Câu 10). Với tấm lòng buồn bã tôi ngồi xuống và viết tên những kẻ thù của tôi. Rồi tôi giải thích rằng: Chúa Jêsus phán “Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi”. Tôi khẳng định với họ về tình yêu thương mà tôi dành cho họ, và tại sao tôi lại không còn cách lựa chọn nào khác mà phải nhường bước. Vì đó là cách duy nhất để trường hợp của tôi được giải quyết một cách hòa bình. Sự nhường bước của tôi đã đem lại sự hòa bình. Mặt biển dậy sóng đã trở nên yên lặng.

b. Mọi Hy Vọng Tiêu Tan

Nhưng đối với tôi điều đó cũng đem lại cảm giác chán nản và tuyệt vọng rằng tôi sẽ không bao giờ có thể làm trọn sự kêu gọi trên đời sống tôi. Hơn mười năm tôi bám lấy hy vọng rằng một ngày nào đó các anh em sẽ giúp đỡ tôi. Nếu được sự ủng hộ của họ, tôi có thể ra đi truyền giáo ở một nơi nào đó trên đất nước, hướng dẫn những người hư mất trở về với Chúa Jesus. Bây giờ - MỌI HY VỌNG ĐIỀU TIÊU TAN! Có thể điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tôi nói với vợ tôi: “Không còn cách nào để anh có thể hoàn thành sự kêu gọi truyền bá Phúc âm cho cả thế giới! Cách đây mười một năm, anh đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi bắt đầu vâng theo những gì anh nghĩ là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Bây giờ nó không thể nào xảy ra nữa”. Theo viễn cảnh tự nhiên điều này là sự thật.
c. Đức Chúa Trời Có Một Chương Trình Đó là một ngày đen tối nhất trong đời tôi. Có lẽ điều này xảy ra vài năm trước khi tôi hiểu rằng, cũng như Giôsép và các anh người, “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi... để cứu sự sống cho nhiều người” (Sáng Thế Ký 50:20). Khi tôi tiếp tục tìm kiếm Chúa, Ngài đã chỉ cho tôi biết rằng tôi phải hết sức cẩn thận, không bao giờ được ”...dùng quyền tôi có như người giảng Tin Lành. Tôi đối với ai cũng vẫn là được tự do, mà tôi đành chịu phục mọi người” (I Côrinhtô 9:18,18). Vào lúc đó, tôi không bao giờ mơ tưởng rằng Đức Chúa Trời có một chương trình to lớn cho đời sống và chức vụ của tôi. Tôi không hề nghĩ rằng Chúa sẽ mở cánh cửa để tôi huấn luyện hàng ngàn người lãnh đạo Hội Thánh.
 
Chương 5b BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI GIÔSÉP
1) Một “Chức vụ Giôsép”

Tôi đã luôn luôn cố gắng yêu thương, kính trọng những người anh em đã đối xử sai với tôi bất chấp sự việc gì đã xảy ra. Tôi cũng không gợi ý rằng những gì tôi đã làm là khóa học để lôi kéo những người khác phải học theo.... Giôsép được nói tiên tri rằng: “Các phước lành này sẽ giáng trên Giôsép. Trên đỉnh đầu của người lãnh đạo anh em” (Sáng Thế Ký 49:26 Diễn ý). Giô sép không phải là “người lãnh đạo các anh em” bởi sự lựa chọn của ông, nhưng bởi ơn thần hựu của Đức Chúa Trời. Giống như tôi, Giôsép cũng có sự lựa chọn, ông đã có thể ở trong một gia đình êm ấm dưới sự bảo bọc của chế độ tộc trưởng, nhưng Đức Chúa Trời có một chương trình khác cho ông. Lời của Chúa nói về Giôsép rằng: “Giôsép là một cây sai trái, mọc lên bên bờ suối trong xanh, cành lá vượt vách thành” (Sáng Thế Ký 49:22 Diễn ý ). Các bức tường không bao giờ có thể ngăn cản một “chức vụ Giôsép” được. Các nhánh của ông vươn ra, đến nỗi những người đang cần bóng mát, đang mệt mỏi và đói khát đều có thể đến núp dưới bóng đó và ăn những trái chín mọng. Trái chín và bóng mát của một “cành lá vượt vách thành” lúc nào cũng có sẵn và không cần phải mua, như bạn đã biết, những trái của nhánh vươn ra bên ngoài tường thì không cần phải mua. Dưới phong tục của Cựu Ước và luật pháp của người Lêvi, những nhánh và quả “vươn ra ngoài bức tường” là của chung - bất cứ ai cũng có thể hái nó. Nền nông nghiệp tại Pháp cũng vẫn giữ theo luật này, và họ đã được chúc phước rất nhiều. Những lời rao báo thường vang lên trong thời xa xưa “Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá!” (Êsai 55:1). Đức Chúa Trời đã chuẩn bị tôi cho “Chức vụ Giôsép” này. Nhưng lúc đó tôi đã không nhận ra. Ý tưởng bị loại bỏ, bị đơn độc đã làm tôi buồn rầu rất nhiều (Có lẽ đối với Giôsép cũng vậy). Nhưng Đức Chúa Trời đã đặt tôi vào các hoàn cảnh đó. Tôi không có thể làm cách nào để thoát khỏi được (trừ khi tôi chống lại ý muốn Đức Chúa Trời).

4. Sự Thử Rèn Bởi Lời Chúa

“Cho đến ngày điều người đã nói được ứng nghiệm: Lời của Đức Giê-hô-va rèn thử người” (Thi Thiên 105:19). Mười hoặc mười hai năm sau những chắn song sắt với những sợi xích trên chân và chiếc vòng sắt mang trên cổ sẽ chà nát bất cứ cuộc đời của người vô tội nào. Giôsép đã ở trong một hoàn cảnh do một kiến trúc sư thần thượng phát họa, nhưng không có điều gì bảo đảm cho những hoàn cảnh mà ông đang chịu. Nếu như ông có một sự bảo đảm nào thì có lẽ nó sẽ khiến những khó khăn chờ đợi trở nên có thể chịu hơn. Tất cả những gì ông có chỉ là những giấc mơ, và chưa có điều gì chứng tỏ những giấc mơ này là thật. Thật ra, những sự việc xảy ra ngược lại với những khải tượng mà Chúa đã tỏ ra cho ông. Những giấc mơ của Giôsép không có điều nào ám chỉ rằng ông phải chịu khổ bởi anh em mình và bị quăng xuống hố. Những điều được bày tỏ trong sự khải thị cũng không bảo ông phải bị bán qua Aicập làm nô lệ, bị cáo gian và bị ở tù không biết ngày ra. Có lẽ ông đã thắc mắc: “Điều gì đang xảy ra vậy? Tại sao những điều này lại xảy ra cho ta?
Êtiên người tử đạo đầu tiên, đã đề cập đến sự đau đớn của Giôsép trong bài giảng trước lúc chết của ông. “Ngài giải cứu người (Giôsép) khỏi cảnh khó khăn” (Trong tiếng Anh, anguish: nỗi thống khổ) (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:10). Vâng, ông đã bị thống khổ, một nỗi thống khổ không thể nào giải thích được. Giôsép đã không làm điều gì sai trái ở nhà Phôtipha. Nhưng cuối cùng ông trở thành một tên tù nô lệ mà không có hy vọng được tự do. Ông đã giữ sự trong sạch của mình trong luân lý và đạo đức. Nhưng phần thưởng của ông là án tù chung thân trong ngục tối hôi hám nóng nực, đầy ruồi muỗi, sâu bọ và không có ngày phóng thích. Hầu hết chúng ta sẽ không thể nào hiểu hết nỗi thống khổ Giôsép đã cảm nhận trong những năm tháng cô độc đó. Ông đã phải sống trong ngục tù với những bữa ăn bẩn thỉu, có lẽ ông phải làm dịu cơn khát bằng dòng nước sông Nile dơ bẩn. Ông là nạn nhân của những sự xử lý và chuẩn bị của Đức Chúa Trời. Giôsép cũng giống như nhiều người trong các bạn, được Đức Chúa Trời chọn lựa cho chức vụ lãnh đạo, và đây là trường huấn luyện của ông. Trước khi Đức Chúa Trời hoàn tất với Giôsép, ông phải được tốt nghiệp trong trường huấn luyện đầy lửa của Đức Chúa Trời.

C. ĐƯỢC ĐẶT LÊN NGÔI

Tôi nghĩ rằng điều khó tin nhất đối với tôi là nghị lực của Giôsép, tức là khả năng kỳ diệu của ông trong việc giữ mối thông công với Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh như vậy. Việc ông thoát khỏi sự cay đắng ganh ghét và giận dữ là một chứng cứ mạnh mẽ rằng ông được trợ sức bởi những phép lạ kỳ diệu của ân điển từ Đức Chúa Trời.

1. Một Quản Gia Trung Tín

Khoảng mười năm sau khi Giôsép bị bỏ tù, hai trong số các tù nhân đã mơ thấy những giấc mơ khó hiểu. Giôsép đã có câu trả lời cho họ ngay lập tức. Sau nhiều năm ở trong một nơi tối tăm như vậy mà ân tứ của Đức Chúa Trời vẫn còn hành động qua ông, thật kỳ diệu. Chính sự quản lý các ân tứ Đức Chúa Trời cách trung tín của ông đã đem ông đến sự thăng tiến và được ca ngợi. Giôsép thuật lại lời giải nghĩa điềm chiêm bao cho quan tửu chánh rằng ông ta sẽ được phục hồi chức vị trong cung điện của Pharaôn. Sự phục hồi chức vị của quan tửu chánh đã chứng minh ơn tứ tiên tri của Giôsép. Giôsép đã xin quan tửu chánh tâu lại cùng Pharaôn về án tù của mình. Nhưng vị quan vô ơn này đã lập tức quên ông. Cũng trong khi đó quan thượng thiện đã bị chém đầu y như lời Giôsép đã nói khi ông giải thích giấc mơ cho ông ta. Hai năm trôi qua. Một ngày kia tin tức vang khắp cung điện rằng Pharaôn thấy những giấc mơ gây cho ông bối rối vô cùng. Bởi vì không ai có thể đem lại sự thỏa lòng cho vua qua việc giải thích những điềm chiêm bao đó nên ông ra lệnh giết hết thảy các thuật sĩ cũng như các nhà hiền triết tại Aicập. Quan tửu chánh sực nhớ đến Giôsép. Biết đâu Giôsép có thể giải mộng cho Pharaôn. Vì vậy, theo lịnh truyền của Pharaôn, Giôsép được tắm rửa, cạo râu mặc quần áo đẹp và vào chầu Pharaôn. Ngay sau khi nghe những giấc mộng, Giôsép liền đưa ra lời giải thích. Có nghĩa là bảy năm được mùa dư dật và tiếp theo là bảy năm mất mùa và đói kém.

2. Được Thăng Tiến

Pharaôn vô cùng cảm động, ông liền lập Giôsép lên đứng thứ hai trong toàn xứ Aicập. Chỉ một mình Pharaôn mới có quyền lực cao hơn Giôsép. “Pharaôn lại phán cùng Giôsép rằng: Hãy xem, Trẫm lập ngươi lên cầm quyền trên cả xứ Êdiptô. Vua liền cởi nhẫn trong tay mình, đeo vào tay Giôsép, truyền mặc áo vải gai mịn và đeo vòng vàng vào cổ người” (Sáng Thế Ký 41:41,42). Cuối cùng thì điều đó đã xảy ra. Giô sép được đặt lên ngai vàng của xứ Aicập. Sự đau đớn, cô độc, tù tội, xiềng xích của ông đã qua. Cuối cùng ngày mà lời hứa của Chúa dành cho ông bắt đầu được ứng nghiệm.

3. Ngày Vinh Quang

Tôi biết rằng tất cả những ai từ bỏ mọi sự ở đời này để theo Đấng Christ đều sẽ nhận được chiếc mão miện vinh hiển trong ngày đăng quang khi chúng ta đồng cai trị với Chúa. Tất cả chúng ta sẽ nhận được phần thưởng của mình trong ngày đó. Nhưng tôi cũng tin rằng Chúa Jesus cũng hứa rằng ngay trong đời này Ngài sẽ ban cha mẹ, anh em, chị em và ngay cả nhà cửa, đất ruộng cho những người đã từ bỏ tất cả những điều này mà đi theo Ngài (Mathiơ 19:29). Sẽ có những ngày được gọi là Thiên đàng trên đất cho tất cả những người được gọi, được chọn và trung tín như Giôsép.

D. KẾT LUẬN

”Chớ hề dối mình... vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời.” ”Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt. Vậy đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Galati 6:7-10). “Vậy hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Côrinhtô 15:58).

Pin It

Related Articles

Chúng tôi đang phát hành nhiều nhạc Music Video mới trên

Thông Tin

Mục Vụ Chia Sẻ Niềm Tin, Hy Vọng & Tình Yêu www.quangharvest.com  Email: info@quangharvest.com

Được lập nên từ tháng 05 năm 2015, là mục vụ nhằm truyền bá Tin Lành của Chúa trên các mạng xã hội cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Nguyện xin Chúa ban phước trên mục vụ ngày càng được mở rộng hơn.

Thống Kê Trực Tiếp 131 Quốc Gia

We have 8762 guests and no members online

Your Language